Họa sĩ Phạm Rồng thả hồn vào tranh
(TN&MT) - Họa sĩ Phạm Rồng - người đam mê nghệ thuật vẽ rồng đương đại. Tên tuổi anh gắn liền với nhiều bức vẽ minh họa sách ảnh, truyện cổ tích và bìa nghệ thuật cho nhiều nhà xuất bản (NXB) trong nước.
Anh cũng đưa “con rồng” theo ý tưởng riêng mình vào sách thiếu nhi quốc tế. Đặc biệt, tranh rồng của anh luôn chắt lọc những yếu tố lịch sử, triều đại phong kiến Việt Nam, thể hiện tâm nguyện đất nước mãi thái bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Rẽ ngang… sang hội họa
Phạm Rồng, tên thật là Phạm Vương Quý Đôn, anh có niềm đam mê mãnh liệt với hội họa từ nhỏ nhưng ba má Quý Đôn muốn anh theo học khối A, chuyên Lý, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP. HCM) để thi vào trường Đại học Bách khoa. Một mặt Quý Đôn theo học chuyên Lý để chiều lòng ba má, mặt khác anh vẫn âm thầm kiếm tiền và tự đăng ký học thêm môn hội họa mà không nói với gia đình. Tuy nhiên, do theo học cùng lúc nhiều môn, nhiều lớp nên Quý Đôn đã tạm gác lại ước mơ con đường hội họa mà tập trung học và thi đỗ Đại học Bách khoa TP.HCM.
Quý Đôn tâm sự: “Một năm theo học tại Trường Đại học Bách khoa nhưng trong tâm trí cứ nghĩ tới hội họa, nhiều đêm đấu tranh không sao ngủ được và đôi khi suy nghĩ tiêu cực. Cuối cùng mình quyết tâm ngừng theo học tại Trường Đại học Bách khoa và đã đăng ký theo học tại một trung tâm chuyên ngành thiết kế đồ họa. Lúc này, mình mới là chính mình, tìm lại cảm giác học tập và vẽ tranh, ảnh… nói chung cứ thích là ngồi vẽ, có khi vẽ quên cả ăn, ngủ”.
Để lưu lại kỷ niệm và dấu ấn rẽ ngang sang hội họa, Quý Đôn quyết định sử dụng tên Phạm Rồng (theo đúng con giáp của năm Nhâm Thìn 2012 khi anh quyết định theo đuổi niềm đam mê hội họa chuyên nghiệp), từ đó, cái tên Phạm Rồng đã ra đời.
Phạm Rồng nhớ lại ngày tháng khó khăn: “Mình bỏ học, ba má là người buồn nhất, bản thân cũng thấy áp lực vô cùng, có thời điểm mình gầy đi mấy ký, nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm không biết mệt mỏi, sau hơn 10 năm cố gắng, mình đã chứng minh cho ba má hiểu rằng lựa chọn của mình là chính xác. Bước đầu mình đã có được thành quả nhất định, đó là sự ghi nhận của nhiều NXB trong nước và nước ngoài, họ tin tưởng đặt hàng và hai bên hợp tác rất thành công.
Phạm Rồng là họa sĩ vẽ tranh minh họa, anh bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình bằng việc vẽ minh họa sách ảnh và bìa nghệ thuật cho nhiều NXB trong nước. Anh cũng đã từng vẽ minh họa sách thiếu nhi cho một số NXB ở Trung Quốc, Mỹ, Anh…
Trong nước, Phạm Rồng chủ yếu nhận lời cộng tác với NXB Kim Đồng, dùng bút danh là Phạm Rồng và bút danh nhóm Vườn Illustration (cộng tác với họa sĩ khác làm chung dự án)... Ngoài ra, Phạm Rồng và cộng sự còn đảm nhận vai trò vẽ minh họa cho truyện, sách: Artbook Năm mùa, Nhâm Nhi Tết... Đôi khi anh trải nghiệm vẽ tranh dân gian đậm chất văn hóa Việt qua tập sách: Câu đố, Đồng dao cho bé và đặc biệt là cuốn sách Sự tích Hồ Gươm.
Phạm Rồng tâm sự: “Sự tích Hồ Gươm là câu chuyện cổ tích đã gắn liền với bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Lần vẽ này mình muốn tham khảo nhiều về cách họa sĩ xưa đi nét, kết hợp với chất liệu digital (kỹ thuật số) lâu nay mình vẫn dùng để tái hiện lại hình hài nhân vật thêm phần sống động và tạo dấu ấn thị giác cao hơn cho người đọc, người xem”.
Được biết, để “Sự tích Hồ gươm” thành công và được bạn đọc đón nhận tích cực cũng như sự công nhận của các nhà sử học, họa sĩ… ê kíp của Phạm Rồng phải trải qua rất nhiều áp lực, bỏ nhiều thời gian, công sức để đi nghiên cứu tư liệu lịch sử, tranh ảnh của người xưa và trong cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của tác giả Trần Quang Đức. Phạm Rồng chia sẻ: “Trang phục của vua chúa thì tương đối dễ vì đã có nhiều nguồn tham khảo, cái khó là trang phục thời chiến, khi nghĩa quân Lam Sơn chưa có chuẩn bị đầy đủ về phục trang, binh khí… Hay từ bối cảnh làng mạc ngày xưa đến ngựa, lính, tứ linh rồi đến cả thuyền rồng vua đi và hình ảnh con rồng được tái hiện trong truyện cũng phải tỉ mỉ vì chỉ cần nắm không hết thông tin, hiểu không rõ về lịch sử sẽ dễ mắc sai sót”.
Vẽ Rồng với ước nguyện đất nước mãi thái bình
Được biết, để chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024, Phạm Rồng đã lên ý tưởng vẽ bức tranh sơn mài về rồng khổ lớn, lấy hình tượng rồng thời Lý làm nhân vật chính của bức tranh để mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, với niềm mong ước bốn mùa cây cối sinh sôi đâm chồi, nảy lộc, đất nước mãi mãi thái bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Phạm Rồng chia sẻ: “Bức tranh “Hoa Long” này được lấy cảm hứng từ rồng thời Lý, mình thích sự hiền từ, chuyển động nhịp nhàng, mềm mại và tạo hình tinh tế, tỉ mỉ, độc đáo của rồng thời kì này. Chỉ là lấy cảm hứng thôi, mình đã thêm vào đó chút sáng tạo riêng của mình. Vì là vẽ tranh để mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới nên con rồng của mình đại diện cho sự đâm chồi, nảy lộc, hòa quyện với thiên nhiên”.
Rồng thời Lý có ý nghĩa thiêng liêng mang bản sắc dân tộc riêng của người Việt, đồng thời cũng thể hiện quyền lực và tinh thần bất khuất của đất nước. Rồng cũng được coi là linh vật bảo hộ của vua chúa, đại diện cho sự cao quý và uy nghiêm. Ngoài ra, rồng còn phản ánh tâm linh và tín ngưỡng của người dân, được coi là biểu tượng của tăng trưởng, sự thịnh vượng và may mắn. Đây cũng là tạo hình rồng dễ phân biệt nhất so với các triều đại còn lại, cũng như so với các con rồng từ các quốc gia khác. Tạo hình rồng thời Lý là sự chuẩn mực, hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật - Phạm Rồng chia sẻ.
Hội họa ngày nay thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia và học hỏi, họ thể hiện con rồng rất độc đáo, cách điệu, táo bạo… thậm chí họ còn tạo diễn đàn chung để chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ sản phẩm rồng với nhau, nhất là khi năm Giáp Thìn 2024 sắp về. Cách thể hiện và phương thức vẽ cũng đa dạng hơn như vẽ tranh sơn mài, vẽ trên chất liệu giấy, trên tường, chất liệu digital… nhưng tất cả đều hướng đến vương quyền, sự thịnh vượng, may mắn, tâm linh và truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Đặc biệt, ẩn sâu bên trong hình vẽ rồng là sự khát vọng, niềm tự hào, bản lĩnh vươn ra biển lớn của cả dân tộc Việt trong thời đại mới.
Với Phạm Rồng, con rồng thời hiện đại không còn là biểu tượng của vua chúa mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong những mùa lễ hội của dân tộc. Con rồng được biểu diễn qua những hình thức khác nhau như múa rồng, múa rối nước, tranh ảnh hội họa... Đây là cách người Việt tri ân giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam tới các thế hệ tương lai.
Chia tay Phạm Rồng, anh cho biết, ngoài việc vẽ rồng, anh đang ấp ủ vẽ đủ 12 con giáp bằng chất liệu sơn mài và sẽ tổ chức triển lãm cho riêng mình. Có thể đến năm 2025, dự định này mới được thực hiện vì hiện tại anh đang tập trung cho nhiều dự án vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi và sách ảnh, truyện cổ tích… cho các NXB.