Hòa Phát chi 2.400 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất container

Mai Anh | 20/12/2021 17:41

Tổng vốn đầu tư dự án nhà máy sản xuất container của Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 2.400 tỷ đồng, thấp hơn 20% vốn điều lệ công ty.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD quy đổi.

Đáng chú ý, một trong 8 dự án được trao quyết định đầu tư đợt này là dự án xây dựng nhà máy sản xuất container chở hàng của Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát (công ty con của Tập đoàn Hòa Phát).

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 80% so với vốn điều lệ mà Hòa Phát đã góp vào Công ty Container Hòa Phát khi thành lập.

Đây là dự án nhà máy sản xuất container rỗng với quy mô công suất 500.000 TEU/năm đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 hồi đầu năm. Trong đó, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40 feet, giai đoạn 1 có công suất 180.000-200.000 TEU/năm.

Theo lãnh đạo công ty, với sản lượng 500.000 TEU/năm, nhà máy này sẽ giúp tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm do chính Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và Dự án Dung Quất giai đoạn 2 của Hòa Phát thực hiện.

thue_container_cu_1_1638330684.jpeg
Giai đoạn 1 dự án nhà máy sản xuất container của Hòa Phát sẽ sản xuất 180.000-200.000 TEU/năm. Ảnh: F.T

Chia sẻ về lý do làm container, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết nhu cầu về mặt hàng container trên thế giới đang rất lớn, trong khi đó, 90% sản lượng sản xuất sản phẩm này đang thuộc về Trung Quốc.

Tuy vậy, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua thép” cho biết đang sở hữu 2 yếu tố cơ bản nhất để sản xuất container và có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Một là, Hòa Phát đã có nhà máy sản xuất thép HRC và đã thử nghiệm thành công trong việc sản xuất container. Hai là, chi phí lao động trong nước đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Ngoài ra, chi phí về giá điện hiện tại của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và thế giới.

Từ các yếu tố trên, Hòa Phát tin rằng container của doanh nghiệp sẽ có chi phí thấp hơn với chất lượng tương đương và không ngại cạnh tranh về giá với các hãng trên thế giới.

Tháng 4 năm nay, Hòa Phát đã thành lập Công ty Container Hòa Phát để phụ trách hoạt động kinh doanh này với vốn điều lệ 3.000 tỷ.

Ngoài dự án kể trên, 7 dự án khác được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt này là nhà máy sản xuất găng tay S&S GLOVE của Công ty CP S&S GLOVE (4.900 tỷ đồng); Khách sạn - căn hộ du lịch 5 sao Fivestar Poseidon của Công ty CP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (3.077 tỷ đồng).

Bên cạnh đó còn có Dự án Novaworld Hồ Tràm của Công ty TNHH The Forest City (tăng vốn từ 450 tỷ lên 4.408 tỷ đồng); Dự án Ashton Furniture Consolidation Phú Mỹ của Công ty TNHH Ashton Furniture Consolidation (130 triệu USD); Khu phức hợp Cap Saint Jacques của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (tăng vốn từ 1.294 tỷ lên 3.574 tỷ đồng); Cảng Logistics Camil của Công ty CP Logistics Quốc tế Cái Mép (tăng vốn từ 1.200 tỷ lên 2.600 tỷ đồng); và Dự án sản xuất linh kiện điện tử, gia công sản xuất các loại màn hình độ phân giải cao của Công ty TNHH Coretronic Technology (1.197 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Phát chi 2.400 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất container
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO