Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản ở tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 – 2018. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt những tồn tại, hạn chế của tỉnh này liên quan tới công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Cụ thể, Hòa Bình vẫn còn 7/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Trong đó có 03 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 02 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), 02 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh; Mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thiên Hà - Hòa Bình.
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Hòa Bình bộc lộ nhiều bất cập (ảnh: hoạt động khai thác đất trái phép ở Hòa Bình mà PV ghi nhận trước đây) |
Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ thấy vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo …
Trong số 17 dự án được thanh tra có 7 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành, cá biệt có 2/7 dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác là: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty cổ phần Vinh Quang Hòa Bình; Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Đô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hiền Lương. Những việc này đã vi phạm Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định: Áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K), gây thất thu ngân sách nhà nước. Một số dự án khai thác khoáng sản đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành hiện đã đi vào hoạt động khai thác. Tuy nhiên khi những dự án này được cấp Giấy xác nhận chủ trương đầu tư đã không tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường dẫn đến các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường không phát huy tối đa hiệu quả.
Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn của Công ty cổ phần Vinh Quang Hòa Bình chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vi phạm Nghị định 158/2016 của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm |
Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số phương tiện vận tải trong khu vực khai thác, chế biến khoáng sản của một số dự án đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình vận chuyển khoáng sản.
Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình; trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, vi phạm pháp luật về môi trường.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý theo quy định đối với chủ đầu tư 37 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền trên 6,8 tỷ đồng, các dự án khai thác khoáng sản còn nợ phí bảo vệ môi trường theo quy định.