Các hộ nào được hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất?
Theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo định mức quy định tại địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thì được xem xét để hỗ trợ về đất đai.
Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400 ngàn đồng /người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500 ngàn đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống.
Lưu ý là các hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải sử dụng đúng mục đích để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống góp phần xóa đói, giảm nghèo; không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất ở, đất sản xuất trong thời gian 10 năm, kể từ ngày được Nhà nước giao đất.
Chính sách này được triển khai như thế nào?
Vẫn theo Quyết định 755/QĐ-TTg, Quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo bao gồm: Đất Nhà nước quy hoạch để hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo theo quy định tại Quyết định này; đất thu hồi từ các nông, lâm trường và các doanh nghiệp, tổ chức sau khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; đất khai hoang phục hóa, đất được hiến, mua, chuyển nhượng tự nguyện; đất thu hồi từ các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và các nguồn khác.
Căn cứ vào quỹ đất của địa phương, chính quyền sẽ quyết định dịnh mức đất sản xuất cho mỗi hộ.
Người dân được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua đất. Mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ để tạo quỹ đất sản xuất bình quân 30 triệu đồng/hộ. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm với mức lãi suất bằng 0,1%/tháng tương đương với 1,2%/năm.
Về đất ở, mức giao diện tích đất ở cho mỗi hộ bình quân 200 m2/hộ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tự cân đối quỹ đất và ngân sách để giao đất cho các hộ làm nhà ở.
Chính sách đặc thù cho vùng khó khăn
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.
Về đất sản xuất, hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất.
Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách nhà nước bằng tiền tối đa 05 triệu đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập.
Các đối tượng nêu trên chỉ được thụ hưởng một trong hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Về đất ở, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí ngân sách, tạo quỹ đất để giao đất cho các hộ làm nhà ở. Mức giao đất ở cho hộ do Ủy ban nhân, dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với thực tế của địa phương.