Trồng tự phát
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện nông dân trong tỉnh trồng tiêu ồ ạt và tự phát, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: “Cây hồ tiêu không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, hầu như phát triển tự phát. Sở đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên trồng và mở rộng diện tích trồng tiêu, bởi Bình Định không phải là vùng đất có lợi thế về giống cây này. Hơn nữa, cây tiêu có thị trường bấp bệnh và dễ mắc bệnh”.
Đề cập tới những diện tích cây hồ tiêu đang “bén rễ” ở địa phương, ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân và ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn đều cho rằng: Cây hồ tiêu là cây công nghiệp không bền vững, do vậy, chủ trương của địa phương là không khuyến khích người dân phát triển. Diện tích cây hồ tiêu đang tồn tại là do người dân tự phát trồng.
Còn ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội nông dân xã Cát Trinh, nhận định: “Hiện toàn xã Cát Trinh có 11 ha hồ tiêu với 48 hộ tham gia trồng. Giá tiêu ở mức cao những năm trước đây là nguyên nhân khiến nông dân đổ xô trồng tiêu, bất chấp cảnh báo của địa phương và cơ quan chuyên môn”.
Có thể thấy, các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã đều không khuyến khích và cảnh báo khi người nông dân ồ ạt “tìm tới” cây tiêu. Nhưng thực tế, diện tích trồng hồ tiêu tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn không ngừng tăng lên. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?
Rõ ràng, trách nhiệm chính thuộc về người nông dân khi chỉ vì cái lợi tức thời mà phớt lờ cảnh báo của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Tuy nhiên, cũng cần nhắc đến trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành có liên quan khi chưa quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng người dân tự phát trồng tiêu. Để đến khi xảy ra sự cố rớt giá, không chỉ người nông dân lao đao mà chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cũng gặp khó khăn trong việc tìm hướng giải quyết.
“Giải cứu” bằng cách nào?
Câu hỏi này được chúng tôi đặt ra khi trao đổi với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh. Về góc độ cá nhân, ông Phan Trọng Hổ, nêu quan điểm: Trong bối cảnh giá tiêu sụt giảm như hiện nay, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện cần hướng dẫn người dân cách giữ, chăm sóc cây tiêu để tồn tại. Bên cạnh đó, người trồng tiêu cần cân nhắc mức đầu tư vừa phải để giữ cây tiêu không bị chết yểu.
Cũng theo ông Hổ: “Theo quy luật, cứ 2 - 3 năm thì giá tiêu có sự biến động tăng, giảm. Do vậy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần rà soát, đánh giá thực trạng trồng cây hồ tiêu ở từng địa phương. Qua đó có biện pháp định hướng, khuyến cáo và hạn chế tối đa việc người dân trồng hoặc mở rộng diện tích”.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết: “Nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu giảm mạnh như hiện nay là do cung nhiều hơn cầu. Tình trạng này bắt nguồn từ việc diện tích trồng hồ tiêu cả nước phát triển vô cùng “nóng” trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018; trong vòng 5 năm, diện tích hồ tiêu cả nước đã tăng gấp 3 lần so với trước đó”.
Ông Hải, giải thích: Tính đến thời điểm năm 2013, tổng diện tích hồ tiêu cả nước khoảng trên 53.000 ha; trong giai đoạn từ 2013 - 2014, giá hồ tiêu trong nước đạt đỉnh khi lên tới 220 - 240 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người dân tại nhiều tỉnh, thành cả nước ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp cảnh báo rủi ro từ chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn. Đến thời điểm năm 2018, tổng diện tích hồ tiêu cả nước khoảng trên 152.000 ha. Đến nay, những diện tích hồ tiêu được người dân mở rộng trong giai đoạn 2013 - 2018 đã bước vào giai đoạn thu hoạch.
Để giải quyết tình trạng cung vượt cầu, vực dậy giá hồ tiêu, ông Hải cho rằng: “Các tỉnh, thành cả nước nói chung, Bình Định nói riêng cần quy hoạch, cơ cấu lại diện tích trồng hồ tiêu; phải giảm tổng diện tích trồng hồ tiêu cả nước xuống còn 100.000 - 110.000 ha. Để làm được điều này, người trồng tiêu và chính quyền các địa phương cần chủ động chuyển đổi những diện tích trồng hồ tiêu không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thường bị mắc bệnh sang các cây trồng khác. Ngoài giảm diện tích, người trồng tiêu phải có quy trình sản xuất bền vững, tạo nguồn nguyên liệu sạch bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, các loại thuốc BVTV. Bên cạnh đó, đưa khoa học công nghệ vào quy trình chế biến, tạo ra các sản phẩm từ hồ tiêu có giá trị kinh tế cao như tiêu trắng, tiêu đen, tiêu trắng nghiền, tiêu đen nghiền đóng hộp. Cần có sự liên kết nhịp nhàng, chặt chẽ giữa DN thu mua, xuất khẩu hồ tiêu với người nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu tốt, giá thành sản phẩm cao”.