Thời sự

Hồ Chí Minh với trọng dụng nhân tài

TS. Đặng Duy Báu 01/09/2023 - 09:35

(TN&MT) - Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản và lật đổ chế độ thực dân phong kiến, Hồ Chí Minh đã tuyển chọn những thanh niên ưu tú để đào tạo bồi dưỡng.

Lớp thanh niên trí thức đi theo cách mạng đã trở thành những nhân tố có tính quyết định cho việc ra đời của Đảng Cộng sản và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhằm tìm kiếm, tuyển chọn nhân tài tham gia kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thông lệnh (ngày 20/11/1946), Thông lệnh ghi rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài… các địa phương cần lập tức điều tra nơi nào có người tài đức thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ”.

Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài không câu nệ nhỏ to: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. Ai có năng lực về việc gì ta cắt đặt vào việc ấy. Biết dùng người như vậy ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Theo Hồ Chí Minh, nhân tài “đòi hỏi hội tụ hai yếu tố đức và tài”. Người cho rằng: “Có tài mà không có đức là vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Khái niệm nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cái tài thể hiện ở cái trí, cái tầm, đồng thời phải gắn chặt với cái tâm”, cái tâm là cái đức phải trung thành, tận tụy, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Cái tài là vốn hiểu biết, là tri thức khoa học được đào luyện trong thực tiễn.

ho-chi-minh-noi-chuyen-than-mat-voi-cac-dai-bieu-tri-thuc-du-hoi-nghi-chinh-tri-dac-biet-3.1964.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (3/1964)

Tầm nhìn về nhân tài của Hồ Chí Minh rất cụ thể và thiết thực. Người nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, “tùy tài mà dùng người, khéo sử dụng họ đúng chỗ, đúng việc”. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người chủ trương thu hút các quan lại triều đình nhà Nguyễn và Chính phủ Trần Trọng Kim, cũng như trí thức Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đi theo cách mạng, như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Đổng lý Văn phòng Phạm Khắc Hòe, Tổng trưởng thanh niên Phan Anh, Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm…

Trong Chính phủ lâm thời được lập ra vào ngày 28/8/1945 có 15 người thì chỉ có 6 người thuộc Việt Minh, còn lại là trí thức ngoài Đảng, ngoài Mặt trận Việt Minh, như Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Đoàn Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Cứu trợ - Xã hội Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền… Đến tháng 3/1946 thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, có 10 bộ thì 2 đảng Việt Quốc và Việt Cách giữ 4 bộ, 2 bộ quan trọng là Nội vụ và Quốc phòng đều do những người ngoài đảng phái làm Bộ trưởng.

Đến tháng 11/1946, khi đại diện của đảng Việt Cách và Việt Quốc rút lui, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội ủy quyền thành lập chính phủ mới, Người vẫn chủ trương: “Phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”. Cho đến sau hòa bình lập lại (1954) trong Chính phủ vẫn có những trí thức ngoài Đảng làm Bộ trưởng như: Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa… Hồ Chí Minh còn mời gọi được nhiều trí thức ở nước ngoài về giữ trọng trách về chuyên môn y tế, giáo dục, tư pháp, khoa học kỹ thuật như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa… Ngay trong kháng chiến, Người đã chủ trương tuyển chọn những thanh thiếu niên ưu tú gửi đi học ở nước ngoài, đồng thời mở các trường đại học trong nước để đào tạo nhân tài.

tuyen-cao-ngay-28.8.1945-cua-chinh-phu-lam-thoi-viet-nam-dan-chu-cong-hoa..png
Tuyên cáo ngày 28/8/1945 công báo rộng rãi danh sách 15 thành viên Chính phủ lâm thời

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bằng đức độ sáng ngời và trí tuệ uyên bác, Hồ Chí Minh đã khơi nguồn cảm hứng, thu phục nhân tâm biết bao trí thức, đưa họ đi theo cách mạng phụng sự dân tộc. Bản thân Người là một tấm gương về đức hy sinh, không màng danh lợi, suốt đời phấn đấu quên mình cho đất nước và nhân dân. Người là ngọn cờ khơi dậy tinh thần yêu nước, quy tụ trí thức, nhân tài, lôi cuốn họ hòa mình vào chủ nghĩa yêu nước, nhờ đó, đội ngũ trí thức Việt Nam đã trở thành lực lượng hùng hậu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân giành độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc giàu mạnh.

Kế thừa và làm theo quan điểm của Hồ Chí Minh về phát hiện và thu hút nhân tài, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về vấn đề này. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã nêu rõ, nhân tài không chỉ là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc mà còn có vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII “Về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ghi: “Đặc biệt chú trọng phát hiện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”. Văn kiện Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách phát hiện và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”. Đến Đại hội XI, Đảng tiếp tục khẳng định: “Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài đất nước”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã ghi: “Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”. Đến Đại hội XIII, quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội của Đảng: “Có cơ chế đột phá để thu hút trọng dụng nhân tài… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Có thể nói, Đảng ta đã nhận thức đầy đủ về vai trò nhân tài và sự thu hút, trọng dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Điểm mấu chốt là cần phải đổi mới tư duy trọng dụng nhân tài. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khéo sử dụng họ”. Nghĩa là bên cạnh lượng hóa về tiêu chí đạo đức và tài năng cụ thể với quan điểm xuyên suốt là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trước hết, thì phải thực sự rất công tâm, phải có tư duy đổi mới về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ trong cơ chế thị trường. Đề phòng đánh giá nhân tài thiếu công tâm do “chạy chọt”, “luồn lách”, “mua chức, mua danh”, “lợi ích nhóm”… mà có được chứ không thực chất.

Nhân tài không phải tự nhiên mà có được, bởi “nhân vô thập toàn”, trong mỗi con người luôn có cái hay cái dở, cái tốt cái chưa tốt. Mỗi người là một cá thể, có giá trị riêng, cho nên, muốn thực sự tìm kiếm và phát triển được nhân tài thì phải có “nhãn quan minh triết, tấm lòng bao dung”, phải biết trân quý và biết cách phát huy tài năng vô tư vì lợi ích chung. Cán bộ giỏi phải được phát hiện, đào tạo bồi dưỡng, phải được tôi luyện trong thực tiễn, được bố trí công việc hợp lý kịp thời và khoa học; phải thực sự dân chủ, tôn trọng và tạo môi trường cho họ hoạt động cống hiến. Biết trân quý, tạo điều kiện và giáo dục cho nhân tài phát huy năng lực, sáng tạo ra cái mới. Chỉ có công tâm, dân chủ thì mới có sáng tạo đổi mới, thì tài năng mới được phát huy. Nhân tài chỉ được nở rộ khi có môi trường, có điều kiện để tư duy, sáng tạo và cống hiến.

Để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cần phải phát hiện, đào tạo và quy tụ được nhân tài. Sẽ là thiệt hại và lãng phí cho đất nước nếu để “chảy máu chất xám” do thiếu cơ chế thu hút sử dụng, do kèn cựa đố kỵ... làm “thui chột nhân tài”. Trên con đường thực hiện đường lối đổi mới, cần hết sức quan tâm đến xây dựng cơ chế chính sách thực sự có hiệu quả và nhận thức đầy đủ về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Cần có quy định đặc cách trong thực hiện quy trình tuyển chọn cán bộ. Đó là con đường khả thi nhất, cần có nhất trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ để đưa nước nhà phát triển cường thịnh trên con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, “sánh vai cùng cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ Chí Minh với trọng dụng nhân tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO