Hiệu quả từ Văn phòng đăng ký đất đai một cấp ở Đắk Lắk

26/02/2016 00:00

  (TN&MT) – Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk đi vào hoạt động từ tháng 1/2016. Bước đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hiệu quả...

 

(TN&MT) – Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk  đi vào hoạt động từ tháng 1/2016. Bước đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hiệu quả trong quản lý đất đai đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về quản lý rủi ro trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Ông Bùi Thanh Lam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk sẽ sớm đi vào ổn định.
Ông Bùi Thanh Lam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk sẽ sớm đi vào ổn định.

Bộn bề khó khăn

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk hiện có 15 chi nhánh tại 15 huyện, thị xã thành phố và trụ sở chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk. Theo đề án thành lập, Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk tiếp nhận lại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện theo thực tế về tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất. Trước đây, mọi công việc từ tiếp nhận hồ sơ, xác minh thông tin thửa đất và các thủ tục hành chính, lưu trữ hồ sơ được thực hiện khép kín tại cấp huyện thì nay phải có sự lưu chuyển hồ sơ từ các chi nhánh cấp huyện lên văn phòng đang ký đất đai tỉnh để kiểm tra xác minh trước khi trình UBND cấp huyện ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp đổi, cấp lại…

Về quy trình làm việc, mọi thông tin được số hóa và lưu chuyển qua hệ thống mạng nội bộ nên bước đầu triển khai đã và đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Hiện nay, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện còn thiếu kho lưu trữ hồ sơ, nhiều đơn vị chưa có máy in A3 để in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu máy scaner hồ sơ để lưu chuyển và lưu hồ sơ điện tử đường truyền dữ liệu yếu. Do đó, nhiều trường hợp lưu chuyển hồ sơ bước đầu còn chậm, việc trả kết quả cho người dân theo giấy hẹn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Thuận - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk đang trao đổi nghiệp vụ với ông Y Chuen Knul - Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn Hồ.
Ông Nguyễn Đình Thuận - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk đang trao đổi nghiệp vụ với ông Y Chuen Knul - Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn Hồ.

Để khắc phục những khó khăn trước mắt, các chi nhánh chưa có máy scaner phải sử dụng các thiết bị khác như máy ảnh hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh để chụp hồ sơ. Hơn nữa, tại một số chi nhánh vẫn quen với cách làm cũ nên khi chuyển hồ sơ vẫn còn nhiều sai sót nên phải chỉnh lý nhiều lần cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho người dân. Nhất là trong việc thực hiện các hồ sơ đăng ký cấp quyền sử dụng đất lần đầu và đăng ký biến động, tách thửa, sang nhượng. Sau 2 tháng thành lập toàn tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết được 384 hồ sơ các loại. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột 206 hồ sơ, huyện Cư Kuin 75 hồ sơ. Có 4 huyện gồm Ea Súp, Krông Ana, Ea Kar và Krông Buk chưa có hồ sơ nào được thực hiện. 

Về những khó khăn này, ông Nguyễn Đình Thuận – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk nhận định: Về chuyên môn nghiệp vụ sẽ sớm được khắc phục trong một vài tháng tới khi mà bộ máy đi vào hoạt động ổn định. Song khó khăn lớn nhất cần sự hỗ trợ từ cấp trên là về cơ sở vật chất. Hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk chưa có hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu riêng để phục vụ xử lý hồ sơ, lưu chuyển, lưu hồ sơ điện tử mà đang phải dùng chung với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Đình Thuận nhấn mạnh: Việc lưu chuyển và lưu trữ quản lý hồ sơ cấp quyền sử dụng đất của Văn phòng đăng ký đất đai là rất lớn và phải hoạt động liên tục. Nếu hệ thống bị trục trặc, tạm dừng hoạt động thì việc giải quyết các thủ thục sẽ chậm làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất. Do đó, Văn phòng đã có tờ trình đến Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk và các sở ngành có liên quan như UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài chính cần bố trí nguồn vốn đầu tư trang thiết bị cần thiết cho văn phòng. Ước tính tổng nguồn vốn đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị là khoảng 3,5 tỷ đồng. Nếu được đầu tư, thì công việc của văn phòng mới thực sự hoạt động có hiệu quả.

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn đang giải quyết các thủ tục về đất đai cho người dân.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn đang giải quyết các thủ tục về đất đai cho người dân.

Quản lý tốt rủi ro

Theo nhận định của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk thì việc thực hiện quản lý đăng ký đất đai một cấp đã thống nhất, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như trước đây. Chính vì vậy việc cấp quyền sử dụng đất sẽ được quản lý chặt chẽ, chính xác hơn. Về quản lý sau cấp quyền sử dụng đất cũng đảm bảo hơn.

Ông Y Chuen Knul - Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn Hồ - Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk phân tích: Nếu chủ sử dụng đất đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất của mình tại một ngâng hàng để văy vốn thì không thể thực hiện các quyền khác như tiếp tục thế chấp vay vốn, hay sang nhượng, tách thửa… thậm chí nếu đất đã bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì cũng không thể sang nhượng hay thực hiện các quyền khác. Hay, trường hợp một thửa đất được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng cũng sẽ được phát hiện và điều tra xác minh cụ thể. Điều này, trước đây khi công tác quản lý theo phương thức cũ vẫn xảy ra.

Về quản lý rủi ro, ông Nguyễn Đình Thuận - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk nhấn mạnh: Trước đây do công tác quản lý theo cấp huyện, thiếu sự thống nhất nên mới xảy nhiều sai sót. Nay mọi hồ sơ, giao dịch đã được quản lý theo hệ thống số hóa, được kiểm soát quy về một đầu mối thì người sử dụng đất không thể thực hiện các quyền khác nhằm mục đích xấu. Song để việc quản lý được chặt chẽ thì cần phải làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: các tổ chức tín dụng, cơ quan thi hành án dân sự…

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người dân.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người dân.

 

Thống nhất thực hiện

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Thanh Lam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk xác định: Những khó khăn vướng mắc sẽ sớm được khắc phục trong thời gian đến. Trước mắt sẽ tập trung đầu tư về trang thiết bị cần thiết như máy scaner, may in A3 để giải quyết các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định. Đồng thời cũng cố, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, viên chức cho phù hợp với thực tế. Những trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng công việc. Mục tiêu là giải quyết tốt các thủ tục cho người dân đảm bảo nhanh chóng , thuận lợi tránh phiền hà, nhũng nhiễu.

Trong thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, cơ quan thuế đề ra quy chế phối hợp để thống nhất việc giải quyết các thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận hồ sơ, chuyển thông tin địa chính, tính toán nghĩa vụ tài chính, đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn trả kết quả cho người dân. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các Sở ngành có liên quan bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh được thuận lợi, tránh tình trạng vì thiếu trang thiết bị phục vụ công việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân./.

Bài & ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ Văn phòng đăng ký đất đai một cấp ở Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO