Môi trường

Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp "thuận thiên"

Mai Đan 28/08/2023 - 19:00

(TN&MT) - Những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã định hướng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp là thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn kết với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nhu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp

Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa phương đã đi theo định hướng chiến lược trên. Điển hình, tại huyện Cầu Ngang, phần lớn dân cư trên địa bàn huyện sống bằng nghề nông nghiệp, việc phát triển nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn được tăng cường, công tác khuyến nông từng bước đi vào chiều sâu và phát triển khá toàn diện. Tính đến tháng 7/2023, có hơn 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao và sử dụng giống lúa xác nhận; 100% khâu làm đất, bơm tát nước, 90% khâu gặt tuốt lúa đều sử dụng bằng máy; mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng bằng màng phủ nông nghiệp, nuôi tôm theo hướng thâm canh, mật độ cao trên ao lót bạt, trồng màu, trồng lúa an toàn sinh học, hữu cơ…

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trên 12%/năm. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã khởi động và từng bước tạo chuyển biến về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường có sự tham gia hợp tác của các thành phần kinh tế.

170945trong-trong-trot-nguoi-dan-ung-dung-cong-nghe-nha-mang-giup-giam-bot-su-phu-thuoc-vao-thoi-tiet.jpg
Người dân ứng dụng công nghệ nhà màng giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thời tiết

Huyện có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nên việc khai thác có hiệu quả vùng đất hoang hóa phèn mặn cánh đồng Tây để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng với tổng giá trị sản xuất của con tôm trên 2.500 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần giá trị sản xuất của trồng trọt, gấp 4,3 lần giá trị sản xuất của chăn nuôi. Hiện huyện có gần 4.300 ha vùng nuôi tôm tập trung ở các xã Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn có áp dụng sản xuất theo hướng an toàn và phát triển bền vững; thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có 420 lượt hộ đã chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao trên ao lót bạt, với diện tích mặt nước gần 155 lượt héc-ta.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phát triển mạnh diện tích một số loại cây màu có giá trị kinh tế cao, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở một số xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Nhị Trường, có thị trường tiêu thụ ổn định mở rộng, nhất là các loại cây màu thực phẩm; rau ngắn ngày (mùa nghịch) sản lượng đạt khá cao, lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ; cây bắp giống năng suất trung bình 8 tấn/ha, lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha/vụ; dưa hấu năng suất trung bình từ 20 - 30 tấn/ha, lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha/vụ.

Riêng đối với diện tích đậu phộng, năng suất đạt khá cao, trung bình từ 8,5 - 9,5 tấn đậu tươi/ha/vụ, lợi nhuận bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Từ năm 2014 đến nay, huyện Cầu Ngang đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày và nuôi thủy sản với diện tích 5.428ha đem lại hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần so với trồng lúa, đặc biệt việc chuyển đổi sang nuôi thủy sản đem lại lợi nhuận tăng gấp 10-15 lần trên cùng đơn vị diện tích.

Tại Bạc Liêu, tỉnh quan tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Bạc Liêu đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các khâu như sản xuất giống, quy trình sản xuất, quản lý môi trường và dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất cùng nhóm sản phẩm trong 1 vụ ít nhất là 30% so với năm 2020; chọn tạo được 1-2 giống lúa thơm ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Còn tại Cà Mau, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Phát triển hình thức nuôi tôm kết hợp trồng rừng ngập mặn, những năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã phối hợp với Ban quản lý bảo vệ rừng, địa phương, đơn vị và người dân thực hiện các dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Đến nay, tỉnh có hơn 19.000ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn được các tổ chức quốc tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm tôm nuôi theo hình thức này được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác.

Chủ động sản xuất nông nghiệp "thuận thiên"

Không chỉ Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau, nhiều địa phương khác cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược phát triển ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Định hướng này phù hợp với giải pháp xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ, trong đó, chú trọng đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều HTX đã chủ động kế hoạch sản xuất thích ứng với BĐKH, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Điển hình, tại tỉnh Hà Tĩnh, năm 2020 địa phương có đến 3.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa, bão. Ngoài ra, hiện tượng nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại, cũng làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm giảm năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi...

1111111-8246.jpg
Mô hình thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao cho thành viên Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú (Bến Tre)

Ðể ứng phó thời tiết khắc nghiệt, Hà Tĩnh đã chọn nông nghiệp công nghệ cao làm khâu đột phá của toàn ngành. HTX Thanh niên Thành Sen (xã Ðồng Môn, TP Hà Tĩnh) xác định sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là bước đi sống còn của HTX. Từ 1.000m2 nhà lưới trồng dưa lưới, dưa lê, dưa chuột, dưa vàng… với đầy đủ hệ thống phun sương tự động, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... đến nay HTX đã đầu tư, mở rộng quy mô nhà lưới lên khoảng 5.000m2.

Trước thực trạng BĐKH để lại những hậu quả nặng nề, tỉnh Bến Tre đã xác định cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng, gắn sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nhờ đó, nông nghiệp dần giữ thế chủ động trước BĐKH.

Tỉnh Bến Tre đã phát triển rất tốt mô hình lúa-tôm, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. HTX tôm Thạnh Phú có 111 xã viên với 60ha sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống đặc sản như: Ðài Thơm 8, OM 4900, OM 6162… HTX ký bao tiêu sản phẩm cho xã viên, nên đầu ra rất ổn định.

3-1-.jpg
Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tạo sản phẩm giá trị kinh tế cao

Theo UBND huyện Thạnh Phú (Bến Tre), toàn huyện có khoảng 7.000ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm. Trung bình 1ha, nông dân thu lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên không đủ để tiêu thụ.

Những địa phương điển hình trên cho thấy sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH và chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cũng như nâng cao năng lực HTX nông nghiệp đã giúp các địa phương từng bước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, chuyển từ truyền thống sang sáng tạo để làm chủ quy trình sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp "thuận thiên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO