Xã hội

Hiểu mình, hiểu nghề chắc chắn sẽ thành công

Hà Thanh Thư (thực hiện) 20/06/2023 - 06:28

(TN&MT) - Những người giỏi nghề và có một vị thế nhất định trong sự nghiệp rồi, liệu có khi nào họ cảm thấy mất hứng thú với chính nghề mà mình đã chọn? Đâu sẽ là thứ tạo cảm hứng cho họ mỗi khi thức dậy và nghĩ đến việc đi làm? Tôi đã tìm được ít nhiều câu trả lời về suy tư đó nhờ chính nhân vật của mình.

Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh lần đầu tiên khi anh là khách mời của một Tọa đàm truyền hình do Báo TN&MT chủ trì. Đó là nhân vật để lại cho ê-kíp nhiều sự bất ngờ, anh không muốn xem trước kịch bản chi tiết vì bảo như vậy sẽ cứng nhắc. Quả nhiên, chương trình hôm đó diễn ra theo một dòng chảy nhiều cảm hứng và thăng hoa với cả ê-kíp.

Tâm thế của một người làm nghề

PV: Ngược dòng thời gian về 1 thập kỷ trước, khi quyết định dấn thân vào con đường phục dựng búp bê dân tộc, lúc đó anh có đặt ra mục tiêu mình sẽ phải là số 1 trong con đường này?

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh: Tôi chưa khi nào nghĩ về điều đó. Nhưng giờ nhìn lại, có lẽ chính vì không đặt ra mục tiêu ấy mà tôi có thể đi xa được đến bây giờ. Bởi khi làm vì mục đích danh tiếng hoặc tiền bạc thì mình sẽ chẳng bao giờ có được nó cả. Sự công nhận từ công chúng, giải thưởng, tiền tài… sẽ tự tìm đến với những ai cống hiến thực sự cho nghề của mình.

anh-2-hoa-si-nguyen-hoang-anh.jpg
Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thủ đô nuôi dưỡng và định hình phong cách của một người làm nghề là tôi, như bao kẻ sĩ Hà Thành khác. Tôi yêu Hà Nội da diết. Suốt hành trình sống đó, tôi chứng kiến hàng nghìn đoàn khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm và tự hỏi rằng: Những vị khách này nếu rời đất nước của chúng ta, họ có thể mang về một món quà gì đặc sắc chỉ có được ở Việt Nam mà dễ vận chuyển, lưu giữ lâu dài? Từ suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu bước chân vào con đường mày mò phục dựng búp bê dân tộc.

PV: 10 năm, có khi nào nghề “phũ phàng” với anh?

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh: Có chứ. Đó là một giai đoạn mà tôi mất đi nguồn cảm hứng sáng tác. Với một người đi làm khi chán nản, hiệu suất công việc sẽ giảm sút. Với nghệ sĩ, điều đó còn tăng lên gấp nhiều lần. Bởi thứ tồi tệ nhất với họ là sự chết cảm xúc. Tôi nhớ lúc đó mình làm búp bê nào cũng trơn tru mĩ miều nhưng tuyệt nhiên trong lòng thấy không “đã”.

PV: Và anh đã làm gì lúc đó?

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh: Tôi đã quyết định từ chối nhiều đơn đặt hàng, dù khi ấy tài chính không quá dư dả. Tôi cho phép bản thân có những khoảng trời riêng, xách ba lô lên và đi, dành 26 tháng trời phiêu bạt trên khắp các bản làng dân tộc. Bà con cho tôi cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình của họ. Ban đầu, tôi chỉ có chủ đích rằng đi để tìm một làn gió mới. Nhưng không ngờ, chuyến đi đó đã hồi sinh tôi.

anh-1-hoa-si-nguyen-hoang-anh.jpg
Hàng nghìn búp bê dân tộc của họa sĩ Hoàng Anh đã đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới như một đại sứ văn hóa của Việt Nam.

Cuộc sống hồn nhiên, chất phác của bà con cho tôi những chất liệu “đời” nhất để khi trở về Hà Nội, tôi lao vào sáng tác với tất cả tình yêu đất nước, sự trân trọng thương mến những con người không cùng cha mẹ nhưng đang là anh, là em, là đồng bào của mình trên dải đất chữ S. Tôi say sưa muốn lan tỏa tinh thần và những giá trị văn hóa độc bản của họ, khát khao cho bạn bè quốc tế biết đến.

Lúc ấy tôi tự đặt ra tiêu chuẩn cho chính mình rằng sản phẩm dù nhỏ hay to, bước ra khỏi cửa đều phải chỉn chu, có hồn và lộng lẫy. Vì mỗi một bức tranh hay một búp bê đến tay khách hàng không chỉ là sản phẩm của tôi, nó đã thấm đượm hồn cốt của dân tộc rồi. Và bất kể vị khách nào dù trong hay ngoài nước, tôi cũng muốn họ biết, trân trọng điều đó.

“Tu hành” với nghề

PV: Vậy có khắt khe quá với bản thân không? Từ việc từ chối đơn hàng đến việc chọn khách để bán. Nếu vậy thì anh không thể làm với số lượng lớn.  

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh: Nếu như dễ dãi, tôi có thể sản xuất búp bê hàng loạt và mang ra bày bán đại trà như rất nhiều tiệm trưng bày ngoài kia. Nhưng mỗi búp bê dân tộc mà mình nâng niu hàng ngày, từ đường kim mũi chỉ, từ nét vẽ trên khuôn mặt đều do mình tỉ mỉ vẽ, khâu tay. Có những miếng vải dù nhỏ nhưng nó đã đi hàng nghìn cây số để đến tay tôi, do tôi đặt hàng bà con dân tộc trực tiếp làm.

Vì thế mỗi búp bê là một câu chuyện văn hóa. Nó là độc bản. Tôi không cho phép mình dễ dãi. Tôi phải là người khó tính đầu tiên và khắt khe nhất với sản phẩm của chính mình.

PV: Làm thế nào để anh vững tâm trước những “lời mời gọi dễ dãi”?

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh: Nó nằm ở sự lựa chọn thôi. Chủ động xác định tâm thế với nghề mình chọn. Tôi hiểu rằng điều tôi chọn không đi theo hành trình số đông và không dành cho số đông. Vì thế trong quá trình sáng tạo, mình đồng thời luôn răn lòng biết thế nào là đủ: Đủ hiểu biết để truyền tải đúng văn hóa dân tộc, đủ can đảm trước những lời cám dỗ, đủ bền chí để vượt qua chênh vênh những lúc khó khăn… Gọi nôm na là “tu hành” với nghề.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh là một người con của Hà Nội. Anh được biết đến là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng người trẻ Việt Nam về gìn giữ bản sắc văn hóa, khi anh khởi xướng dự án phục dựng trang phục 54 dân tộc Việt qua tạo hình búp bê.

10 năm độc hành thật nhiều thăng trầm, anh đã đưa văn hóa Việt Nam đến với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng nghìn “cô” búp bê của anh đã trở thành đại sứ, mang hồn cốt Việt phủ khắp năm châu. Những thành tựu mà anh có được, không gì khác, khởi nguồn từ một tinh thần tận hiến với nghề.

Điểm tựa là chính mình

PV: Không ai thích đơn độc trên con đường làm nghề của mình. Anh thì sao?

Tôi cũng có những tri kỷ để bầu bạn mỗi khi cần điểm tựa. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, tri kỷ không thể đi hộ con đường của mình. Mình phải là người tự chèo lái và họ chỉ ở đó để cổ vũ, khích lệ. Ấy là điều đáng quý và ai cũng cần có tri kỷ trong bất cứ nghề nào.

PV: Nếu có một chia sẻ gì đó với những người trẻ trên hành trình nghề nghiệp của họ, anh muốn nói gì?

Tôi nghĩ đó là sống đúng với cái tâm. Ngoài kia luôn có rất nhiều người nói rằng chúng ta cần phải làm như thế này mới đúng, như thế kia mới hay - theo tiêu chuẩn và góc nhìn của họ. Nếu không vững tâm, sẽ khó lòng tới đích mình muốn và khó lòng bảo toàn những giá trị mình theo đuổi.

PV: Như anh dù biết hành trình sáng tạo nghệ thuật rất nhiều chông gai, cô đơn nhưng vẫn cứ đi?

Biết rằng bàn chân có thể trầy xước, những tác phẩm mình đau đáu, trằn trọc để sáng tạo, trong thời đại kinh tế thị trường có thể dễ dàng bị sao chép tràn lan, nhưng mình vẫn tin vào việc tận hiến với nghề, nghề sẽ không phụ. Chưa kể, tôi luôn có những niềm hạnh phúc riêng trong lúc cầm cọ, lúc tỉ mẩn khâu váy, cắt vải cho búp bê và chứng kiến ánh mắt mãn nguyện của những nhà sưu tập. Khi đủ yêu thì mình sẽ có đủ dũng cảm để đi đến cùng.

PV: Quả là hiểu mình, hiểu nghề thì chắc chắn sẽ thành công.

Tôi chưa dám nhận mình là người thành công mà chỉ là người may mắn tìm ra một chìa khóa mở cánh cửa nghệ thuật phù hợp với bản thân. Và may mắn khi những vẻ đẹp dân gian truyền thống thông qua cách chia sẻ của tôi, trở thành xu hướng được đón nhận. Tôi được góp công sức nhỏ trong chặng đường lớn bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc.

Cuộc sống luôn mở cho mình những cảm hứng mới. Điều mình cần làm thật ra không quá phức tạp. Chỉ cần tự trọng với chính mình trên hành trình làm nghề, tận hiến với nó, thì lúc ấy bản thân sẽ luôn tự thấy mình hấp dẫn và nhận ra mỗi ngày, nghề sẽ luôn mang đến cho mình rất nhiều tin yêu.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu mình, hiểu nghề chắc chắn sẽ thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO