Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Nhiệm kỳ mới - kỳ vọng mới
Trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục góp ý, phản biện và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp thành viên đối với văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp phân bón. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với IFA, với các doanh nghiệp, trường, viện của các quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023 là nhiệm kỳ có nhiều biến động ở quy mô toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Cùng với đại dịch COVID, cuộc chiến Nga - Ucraina đã ảnh hưởng đến ngành phân bón ở quy mô toàn cầu. Giá phân bón thế giới tăng nhanh từ tháng 11/2020 kéo dài tới khoảng giữa năm 2022 đã ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung của ngành phân bón. Hàng loạt những khó khăn ấy đòi hỏi Hiệp hội Phân bón Việt Nam phải đổi mới phương thức hoạt động để hiệu quả hơn.
Tham gia xây dựng chính sách và quản lý
Hiệp hội phân bón Việt Nam đã tham gia tích cực, đóng góp vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ Luật đến Chiến lược, Nghị định, Quy chuẩn kỹ thuật, Thông tư,… Cụ thể, Hiệp hội đã góp ý dự thảo Nghị định “Quy định về quản lý phân bón”; dự thảo Thông tư “Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia”; dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón”; dự thảo Nghị định về hóa chất thuộc Công ước vũ khí hóa học; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất tới năm 2030 (phân bón là một phân ngành của công nghiệp hóa chất); dự thảo Nghị định “Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan”; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...
Bên cạnh tham gia xây dựng văn bản pháp luật, Hiệp hội thường xuyên có các hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, như họp với Tổ thị trường trong nước về cung ứng hàng hóa thiết yếu trong đó có phân bón thời gian hiện tại và dự báo; Tham gia các cuộc họp của Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV) về những đề xuất, kiến nghị, nhận thông tin mới liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đó có ngành phân bón; Tham gia các cuộc họp của VCCI về góp ý các văn bản phap luật, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, khí nhà kính, các vấn đề về thuế; Tham dự các hội nghị liên hoan đến phát triển xanh, khí nhà kính, biến đổi khí hậu,…do Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức….
Hiệp hội đã tham gia vào công tác chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng thông qua việc phối hợp với Ban 389, Tổng cục Quản lý thị trường, các phương tiện truyền thông.
Bảo vệ quyền lợi hội viên
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã phát triển hội viên mạnh mẽ hơn so với các nhiệm kỳ trước (kết nạp 36 hội viên). Đồng thời làm tốt vai trò kết nối và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thành viên. Cụ thể, kết nối PVFCCo với một số doanh nghiệp thành viên trong chương trình xây dựng Trung tâm nghiên cứu – phát triển của PVFCCO; kết nối Lân nung chảy Lào Cai và Viện Nông hóa Thổ nhưỡng về khả năng triển khai một số loại phân bón mới…. Tổ chức cho 6 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam tham gia Triển lãm tại TP Hồ Chí Minh…
Hiệp hội đã tích cực tham gia vào bảo vệ quyền lợi hội viên từ những vụ việc liên quan đến thuế như thuế GTGT, thuế xuất khẩu; những vụ việc liên quan đến vướng mắc về bao bì, phân tích, vận chuyển hàng, giải phóng hàng trong thời kỳ đại dịch COVID…. Hiệp hội đã gửi công văn cho Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng tập hợp các khó khăn cần tháo gỡ của ngành phân bón; gửi công văn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật gia hạn tạm thời bao bì trong thời kỳ chuyển đổi bao bì mới. Trong thời kỳ COVID đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Sở GTVT TP Hồ Chí Minh ưu tiên xe vận chuyển phân bón...
Khi doanh nghiệp hội viên có những vướng mắc cần tháo gỡ, Hiệp hội tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm tạo ra các diễn đàn trao đổi thảo luận. Nhiều vấn đề thời sự được đặt ra bàn thảo như “Phân bón chứa lân đối với cây trồng”; "Phân bón với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh"; "Phát huy vai trò của ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong chuỗi giá trị nông sản theo hướng phát triển bền vững"; “Doanh nghiệp hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp phát triển bền vững”…
Nhiệm kỳ mới – cơ hội phát triển mới
Theo Tiến sỹ Phùng Hà – Tân Chủ tịch Hiệp hội phân bón nhiệm kỳ 2024-2029 cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức do tình hình thế giới, khu vực vẫn còn những diễn biến phức tạp, bất ổn, vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên thách thức. Đáng nói là sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; hàng giả, hàng nhái, thông tin thất thiệt… chưa được giải quyết triệt để, Hiệp hội Phân bón Việt Nam xác định nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm, như tiếp tục góp ý, phản biện và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp thành viên đối với văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp phân bón, thí dụ các thủ tục về khảo nghiệm, số lượng các chủng loại phân bón.
Hiệp hội chủ động và theo kế hoạch tham dự các hội nghị, hội thảo nhằm giới thiệu, quảng cáo cho ngành, cho các đơn vị thành viên, cho Hiệp hội. Tạo được sự kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các hội có các lĩnh vực hoạt động sát với Hiệp hội Phân bón.
Nội dung quan trọng là tập trung mạnh hơn nữa vào chủ điểm sản xuất và sử dụng phân bón nhằm giảm khí phát thải nhà kính, góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai nội dung chính sách quan trọng được Hiệp hội đề xuất kiến nghị là sửa đổi Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), phần liên quan đến phân bón: Chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5% và Kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định 26 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc: Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa… Đồng thời Hiệp hội sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình diễn biến về hoạt động sản xuất, thị trường kinh doanh phân bón trong và ngoài nước để cung cấp thường xuyên và kịp thời cho các hội viên của Hiệp hội.
Về công tác củng cố và phát triển tổ chức, Hiệp hội Phân bón Việt Nam định hướng phát triển Hiệp hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vận động kết nạp thêm các hội viên tập thể và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Hiệp hội có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên. Quan tâm động viên các hội viên trẻ, nhất là các hội viên còn đương nhiệm tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của Hiệp hội. Rà soát và mạnh dạn đưa ra khỏi Hội một vài hội viên không thật sự thiết tha gắn bó với Hội.
Nhiệm kỳ mới của Hiệp hội Phân bón đã bắt đầu, đòi hỏi mỗi hội viên, mỗi đơn vị thành viên và toàn Hiệp hội phải đoàn kết hơn nữa, tổ chức tốt hơn nữa và nỗ lực hơn nữa, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách nhằm tiếp cận với những cơ hội phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.