Hiệp Hòa – Bắc Giang: Tàu cào đục khoét Sông Cầu

Nhật Quang – Đà Giang| 12/11/2020 06:14

(TN&MT) - Dòng sông Cầu, đoạn chảy qua huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đang ngày đêm phải “oằn mình” gánh chịu sự tàn phá bởi bàn tay con người gây nên. Máy xúc, tàu cát, ô tô ngày đêm vục, xúc hút ở lòng sông, bãi soi Ninh Tào, xã Hợp Thịnh.

Đào tung cả bãi phân lũ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn T, một người dân thôn Ninh Tào xã Hợp Thịnh bức xúc cho biết ông và người dân trong làng Ninh Tào rât lo lắng trước tình trạng khai thác cát của Công ty CP Đức Long. Họ khai thác kiểu “đào gấp” nên trên bãi thì dùng máy xúc, xúc đào xuống, bố lên ô tô chở đi. Còn dưới sông, hàng chục chiếc tàu hút bâu vào như những “con đỉa” bám chặt để ngày đêm hút lên những dòng cát vàng đắt giá chở đi bán.

Ông T lo lắng nói: "Như vậy chẳng mấy chốc bãi soi Ninh Tào sẽ bị đào xuống thành sông. Phút chốc mọi hoa màu, bãi ruộng sẽ dần bị mất hết. Tất cả cũng chỉ vì nguồn lợi của 1 số cá nhân và quan chức địa phương mà thôi, còn người dân địa phương thì suốt ngày sống trong nỗi lo sạt lở đất, lờ bãi bồi ven sông".  Cũng theo ông T, bãi soi Ninh Tào nằm giữa sông vô cùng quan trọng với dân làng ở đây, bởi nó có tác dụng phân lũ, giảm thiểu nước từ đầu nguồn đổ về khi mùa mưa bão. Vậy mà bất chấp tất cả, họ vẫn cấp cho doanh nghiệp khai thác.

Khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân xã Hợp Thịnh đều rất bức xúc về tình trạng bãi soi đang bị đào thành sông. Chị Trần Thị T, nhà gần đó cho biết: Hàng ngày, Công ty Đức Long dùng máy xúc, xúc hàng trăm xe đất chở đâu đó đổ để kiếm ăn. Đất màu thì họ mang đi bán cho đâu đó cần đất màu. Cát chở ra bãi… Việc chở đất này đã làm cho cả xã Hợp Thịnh bức xúc, bởi xe tải chở đất đi qua, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Con đường trong xã từ đường bê tông thành đường đất. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội, nhão nhoét. Đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên bờ đã vậy, dưới bờ sông còn thảm hại hơn. Những chiếc tàu gầu nạo xới, những vòi rồng cắm xuống ven bờ khụt khịt hút, bốc cát vàng lên tàu để mang bán. Suốt mấy tháng nay, cứ làm ngày, làm đêm khiến nhân dân vô cùng phẫn nộ, mà không sao giải quyết được. Người dân nhiều lần cãi vã với đám lái xe, lái tàu, nhưng rồi lại đâu vào đó, không giải quyết nổi.

Cũng theo phản ánh của bà con nhân dân, đến nay lòng sông Cầu đã loãng lên gấp 3 lần, nhiều đoạn hút xoáy nòng, và nguy cơ sạt lở đê, bãi bồi ven bờ sẽ sớm diễn ra. Được biết, quá bức xúc trước tình trạng khai khoáng trên, người dân địa phương đã gửi nhiều đơn thư đi kêu cứu, nhưng vô vọng.

Hiện trường khai thác cát của Công ty Đức Long ở bãi soi Ninh Tào góp phần khiến sông Cầu biến dạng

“Mục sở thị”, để ghi hình ngay tại bãi, phóng viên nhận thấy, phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Để khai thác được cát, Công ty Đức Long đã cho máy xúc, ô tô vào giáp bờ sông khai thác phần đất mầu ở trên chở đi. Thuyền cát luôn túc trực phía dưới để đào xới, và dòng sông ngày 1 rộng ra là điều không tránh khỏi. Nhưng ai dám chắc, những bãi soi phân lũ này sẽ ra sao, nước lũ lúc đó ồ ạt gây ảnh hưởng để đời sống nhân dân, thì ai sẽ chịu trách nhiệm?.

Cấp mỏ có đúng quy định? 

Qua điều tra, phóng viên được biết: Ngày 30/11/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định số 753/QĐ-UBND. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang cho phép Công ty cổ phần đầu tư Đức Long được phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đất) bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực bãi soi Ninh Tào, thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa.

Diện tích khu vực khai thác; 4,0 ha. Mức sâu khai thác thấp nhất: Đến cốt – 4,5m ( thấp hơn mặt bằng bãi soi tiếp giáp khu vực khai thác 11m. Trữ lượng khoáng sản chính ( cát, sỏi) là 186.827 m3. Trong đó: cát đen dùng xây, trát 84,632 m3 ; cát vàng đổ bê tông 74.665 m 3 ; sỏi cuội 27.530 m3. Trữ lượng khoáng sản đi kèm ( đất ) là 220.141 m 3. Trong đó: đất làm gạch 68.021 m3; đất san lấp 152.119 m3.

Phương pháp khai thác: Lộ thiên. Công suất khai thác khoáng sản (cát, sỏi): Năm thứ 1 là 14.753 m3/ năm. Năm thứ 2 đến năm thứ 7 là 24. 582 m3/ năm. Thời hạn khai thác 7,5 năm. Như vậy, để đến khi hết hạn giấy phép, có lẽ đoạn sông này không biết sẽ như thế nào nữa?.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc UBND tỉnh Bắc Giang cho Công ty CP đầu tư Đức Long được khai thác mỏ khoáng sản này trong 7,5 năm là có nhiều dấu hiệu bất thường. Bởi, căn cứ theo các quy định của pháp luật, thì đối với mỏ khoáng sản này, UBND tỉnh Bắc Giang phải đưa ra đấu giá, theo quy định của pháp luật, mới là đúng quy định. Chưa kể không rõ là đối với mỏ này, các đơn vị “định giá” số tiền là phải nộp là bao nhiêu?…

Thuyền trong, thuyền ngoài đang hút cát ở khu vực bái soi Ninh Tào

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND xã (xin không nêu tên) cho biết: Nguy cơ sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân là có thật. Xúc đào tràn lan. Nhưng thẩm quyền của xã chỉ ở mức độ nhỏ, chưa kể phía chủ doanh nghiệp có mối quan hệ “khủng” nên cũng khó xử lý...

Việc quy trình cấp mỏ có đúng quy định của pháp luật? Việc bàn giao thực địa như thế nào?..., Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp Hòa – Bắc Giang: Tàu cào đục khoét Sông Cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO