Thế giới

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lan rộng: Đâu là giải pháp cốt lõi?

Mai Đan 17/05/2024 - 18:33

(TN&MT) - Các nhà khoa học vừa cảnh báo đợt tẩy trắng san hô quy mô lớn được chính quyền Mỹ cảnh báo hồi tháng 4 năm nay đang lan rộng và nghiêm trọng hơn ở các rạn san hô trên toàn cầu, nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu.

Tình trạng tẩy trắng san hô gia tăng cả về quy mô và tác động

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, trong bối cảnh nhiệt độ đại dương ở mức kỷ lục, kể từ tháng 2/2023, tình trạng tẩy trắng san hô đã được ghi nhận ở 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu mức tăng 9 quốc gia và vùng lãnh thổ so với cảnh báo trước đó vào tháng 4/2024.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Derek Manzello, điều phối viên chương trình Theo dõi Rạn san hô của NOAA nhận định: “Tình trạng này vẫn đang gia tăng về quy mô và tác động, điều này có thể sẽ không xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu”.

Theo ông Derek Manzello, những thiệt hại mới về san hô kể từ cảnh báo được đưa ra vào ngày 15/4 của NOAA đã được ghi nhận ở Ấn Độ, Sri Lanka và quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương.

6adhmubbvzppja5tkkx4v7xnui.jpg
Rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng

Căng thẳng nhiệt độ nghiêm trọng hoặc kéo dài dẫn đến san hô chết dần, mặc dù vẫn có khả năng phục hồi nếu nhiệt độ giảm và các yếu tố gây căng thẳng khác như đánh bắt quá mức và ô nhiễm giảm đi.

Tình trạng tẩy trắng san hô gây ra hậu quả rất sâu rộng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của đại dương, mà còn tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân, an ninh lương thực và các nền kinh tế địa phương.

Hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt đang diễn ra là đợt thứ 4 được ghi nhận trên thế giới, cùng với 3 đợt tẩy trắng san hô khác xảy ra trong giai đoạn 1998 - 2017. Theo NOAA, khoảng 60,5% các rạn san hô trên thế giới đã phải hứng chịu nắng nóng ở mức độ tẩy trắng trong 12 tháng qua, đây là một kỷ lục. Đợt tẩy trắng san hô toàn cầu trên diện rộng trước đây xảy ra từ năm 2014 - 2017, vẫn giữ kỷ lục về tác động lớn nhất cho đến nay.

Ông Derek Manzello cho biết, trong bối cảnh các đại dương tiếp tục nóng lên vào mùa hè, hiện tượng tẩy trắng có thể tiếp tục xảy ra tại các rạn san hô trên khắp châu Á và ngoài khơi Mexico, Belize, Caribe và Florida.

Cho đến nay, rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Australia đã bị tác động bởi tình trạng tẩy trắng, điều này cũng ảnh hưởng đến san hô ở Thái Lan.

Kỳ vọng La Nina sẽ làm giảm tỷ lệ khu vực san hô bị ảnh hưởng

Như đã đề cập ở trên, căng thẳng nhiệt độ nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể khiến san hô chết dần. Liên quan đến nhiệt độ gia tăng, bà Karin Gleason, người đứng đầu bộ phận giám sát tại Trung tâm Thông tin môi trường quốc gia của NOAA cho biết, có 61% khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, và 100% khả năng đây sẽ là 1 trong 5 năm nóng nhất.

Trong khi đó, vào tháng 4 năm nay, các đại dương trên thế giới đã chứng kiến nhiệt độ tháng 4 nóng nhất từ trước đến nay, một kỷ lục bị phá vỡ mỗi tháng trong 13 tháng qua.

Trong khi đó, điều phối viên Derek Manzello cho biết, sự tích tụ căng thẳng nhiệt là chưa từng có và cực đoan nhất ở Đại Tây Dương.

Năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, do sự kết hợp gay gắt giữa biến đổi khí hậu và hình thái thời tiết cực đoan El Nino. Trong năm 2024, khi hình thái thời tiết La Nina làm mát hoạt động từ nay đến mùa thu, ông Derek Manzello hy vọng, tỷ lệ khu vực rạn san hô bị ảnh hưởng sẽ bắt đầu giảm xuống.

Có thể làm gì để cứu các rạn san hô?

Trước đó, các nhà khoa học cho rằng cơ hội tốt nhất để san hô tồn tại là thế giới cắt giảm lượng khí thải nhà kính để hạn chế biến đổi khí hậu. Theo nhiều nhà khoa học, chỉ với mức nóng lên 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới đã vượt qua ngưỡng quan trọng cho sự tồn tại của rạn san hô. Họ dự báo khoảng 70-90% rạn san hô trên thế giới sẽ biến mất. Các nhà khoa học và nhà bảo tồn đang nỗ lực can thiệp.

Trong khi đó, cộng đồng địa phương cần triển khai các chương trình dọn dẹp để loại bỏ rác khỏi các rạn san hô nhằm giảm thêm căng thẳng. Và các nhà khoa học đang nhân giống san hô trong phòng thí nghiệm với hy vọng khôi phục các rạn san hô bị suy thoái.

Tuy nhiên, không có biện pháp nào trong số này có tác dụng bảo vệ san hô ngày nay khỏi vùng nước ấm lên. Do đó, các nhà khoa học đang cố gắng lập kế hoạch cho tương lai bằng cách đưa ấu trùng san hô vào các ngân hàng bảo quản lạnh và nhân giống các loại san hô mạnh mẽ hơn.

Nhà sinh thái học David Obura, người đứng đầu CORDIO Đông Phi, tổ chức hỗ trợ tính bền vững của rạn san hô và hệ thống biển cho biết, những biện pháp này tuy quan trọng nhưng việc nhân giống san hô biến đổi gen không phải là câu trả lời cho biến đổi khí hậu.

"Chúng ta phải rất cẩn thận khi tuyên bố đó là giải pháp và hiện nay nó đang cứu các rạn san hô. Các rạn san hô sẽ không thể hồi sinh cho đến khi chúng ta giảm lượng khí thải carbon", ông David Obura cho biết thêm.

Theo Tổng hợp từ Reuters, CNN & The Straits Times
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lan rộng: Đâu là giải pháp cốt lõi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO