Ở Việt Nam trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm.
Sáng 15/10, tại Sóc Trăng diễn ra "Diễn đàn ven biển thường niên lần 2" trong khuôn khổ dự án Cải thiện sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu - vùng ven biển Đông nam á (BCR). Diễn đàn do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu đến từ 3 quốc gia Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Diễn đàn lần 2 này các đại biểu sẽ bàn luận, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm, thông tin, kiến thức từ kết quả việc thực hiện các dự án do BCR tài trợ.
Theo báo cáo của IUCN, sau 2 năm thực hiện dự án tại 8 tỉnh thuộc 3 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đã có hơn 30 dự án thí điểm được triển khai nhằm nâng cao năng lực thích ứng của người dân, giúp ứng phó với các tác động của biến đổi môi trường sống.
Ông Vũ Sỹ Tuấn phát biểu tại Diễn đàn
Tại diễn đàn, ông Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT cho biết: "Ở Việt Nam trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 3 độ C và mức nước biển có thể dâng 1 m vào năm 2100, kéo theo khoảng 40.000 km2 diện tích đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm,trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn".
Chia sẻ nhận thức này, ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thừa nhận, trong những năm qua giống như nhiều tỉnh ven biển phía Nam, nhiều địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng nặng của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các tác động này làm thu hẹp diện tích canh tác lúa và nuôi trồng thủy sản của một số địa phương. Mặc dù chưa có những đánh giá cụ thể, nhưng chắc chắn ảnh hưởng một phần đến thu nhập của người dân các địa phương vùng ven sông, ven biển.
Ông Trí cho rằng việc, các tổ chức quốc tế tham gia nghiên cứu, triển khai các mô hình đa dạng sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tăng sức chống chịu trong điều kiện biến đổi khí hậu là hoạt động có ý nghĩa, khuyến khích được người dân tham gia sản xuất bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường sống và hệ sinh thái của địa phương nói riêng và vùng ven biển nói chung.
Được biết, BCR là dự án do quỹ châu Âu tài trợ trong 4 năm cho 8 tỉnh thuộc 3 quốc gia Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Sóc trăng là 1 trong số đó. Diễn đàn lần 2 này sẽ kéo dài 4 ngày từ ngày 15 đến hết ngày 18/10.
Theo VOV