Hiện thực hóa lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển: Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng từ địa phương

Nguyên Sơn| 07/04/2022 09:54

(TN&MT) - Trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho phòng, chống thiên tai nhằm khắc phục hậu quả, tăng năng lực phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Yêu cầu bức thiết

Tại khu vực hai bờ rạch Giồng Ông Tố, đoạn tiếp giáp phường An Phú và Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức, (TP.HCM), người dân luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ, ăn ngủ không yên bởi hai bên bờ rạch thường xảy ra tình trạng sạt lở khi mưa nhiều, triều cường dâng cao. Bên cạnh đó, nhiều khu vực trũng như đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Trần Xuân Soạn (quận 7), Phú Định (quận 8), Thảo Điền (TP. Thủ Đức)… cũng xảy ra tình trạng ngập do triều cường dâng cao. TP.HCM đang đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các công trình đê điều, thủy lợi, gia cố cấp bách các công trình phòng, chống thiên tai xung yếu cho các địa phương.

Tại tỉnh Thanh Hóa, báo cáo của tỉnh cho biết, hiện nay hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn vẫn còn những vị trí, hạng mục công trình hư hỏng, yếu ách chưa được đầu tư, tu bổ. Cụ thể, còn 406,8km đê (trong đó 139,8km đê Trung ương, 267km đê địa phương) chưa đảm bảo cao trình chống lũ thiết kế; có 297 cống dưới đế được xây dụng từ lâu, đã xuống cấp nhưng chưa được tu sửa, nâng cấp. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng còn 93 hồ không đảm bảo an toàn, chỉ được tích nước một phần hoặc không tích nước.

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho thấy, đến cuối năm 2021, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt trên cả nước vẫn còn tồn tại 200 trọng điểm xung yếu; 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống cũ, hư hỏng; 233km kè hư hỏng, xung yếu…

anh-4.jpg

Gia cố đê tăng khả năng chống chịu thiên tai.

Từ hiện trạng trên có thể thấy, nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với thiên tai tại các địa phương là rất lớn, rất bức thiết. Tuy nhiên, trong một đánh giá gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, mặc dù Chính phủ rất nỗ lực bố trí kinh phí nhưng nguồn lực cho phòng, chống thiên tai còn hạn chế và phân tán, mới triển khai được 40 - 50% chương trình đầu tư đê sông, đê biển, 30% chương trình an toàn hồ chứa; khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; việc lồng ghép phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của các địa phương còn hạn chế; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai.

Tăng nguồn lực đầu tư

Trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025 mới được ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần đầu tư hạ tầng cho nhiều mục đích. Để phòng chống áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh, siêu bão, cần tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè biển. Để phòng chống lũ, ngập lụt, cần triển khai các dự án tu bổ, nâng cấp hệ thống đê chống lũ, kiểm soát lũ, tăng cường khả năng thoát lũ; để phòng chống lũ quét, sạt lở đất cần chủ động di dời, sắp xếp lại dân cư ở khu vực có nguy cơ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng để di dời. Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, cần triển khai các dự án xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước; xây dựng công trình ngăn mặn…

Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, để khắc phục tình trạng ngập do triều cường, UBND thành phố đã phê duyệt đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2025. Trước mắt, từ nay đến năm 2025, sẽ hoàn thiện Quyết định 752/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM với 16 dự án và Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM với gần 29 dự án, cộng thêm 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, 7 hồ điều tiết… với tổng nhu cầu vốn hơn 107.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT TP.HCM cũng kiến nghị UBND thành phố đầu tư 12 dự án thủy lợi tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn khoảng 4.500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, góp phần đồng bộ hệ thống thủy lợi và chống ngập. Đáng kể nhất là dự án đầu tư 10.000 tỷ đồng để giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố BĐKH (giai đoạn 1). Khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với BĐKH cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân.

Còn với Thanh Hóa, trước hiện trạng các hồ thủy lợi trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp 35 hồ; đang triển khai thi công 54 công trình gồm 17 hồ chứa, 7 đập dâng, 4 trạm bơm và 26 công trình kênh mương. Đối với 93 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn, Thanh Hóa sẽ chủ động gia cố, sửa chữa, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Với 35 công trình đã được bố trí nguồn vốn đầu tư, Thanh Hóa đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển: Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng từ địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO