Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghê Bùi Thế Duy, việc tổ chức sự kiện trong bối cảnh Covid-19 nhằm kịp thời cung cấp thông tin để doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi chuỗi đứt gãy trong cung cấp hàng hóa, từ đó, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển Al, ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo là tốc độ.
Cần xây dựng hệ thống dữ liệu để có thể phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn trong các ngành |
Tuy vậy, để có được tốc độ cần có những điều kiện đi kèm như tài năng, sức ép và tài chính.
Tại phía đầu cầu Australia, Tiến sĩ Stefan Hajkowicz, Trưởng nhóm nghiên cứu nhóm chuyên gia kỹ thuật số của cơ quan khoa học quốc gia của Australia cho biết, AI hiện diện ở mọi lĩnh vực kinh tế, địa phương của nước này. Các chuyên gia hàng đầu của Australia hiện đang dùng công nghệ phục vụ việc điều chế vaccine Covid-19.
Đánh giá cao công nghệ AI, Tiến sĩ Stefan Hajkowicz cho rằng, công nghệ này hỗ trợ rất tốt cho các bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu, đặc biệt, AI rút ngắn thời gian ở nhiều công đoạn điều chế vaccine.
Chia sẻ về những khó khăn khi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: Ngoài tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp, hoạt động hàng ngày của ngân hàng cũng đang bị ảnh hưởng, điển hình là việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng bị gián đoạn, do đó, lượng giao dịch trầm lắng và diễn ra tương đối chậm.
Đề cập về giải pháp cho vấn đề trên, ông Lân cho biết: Ngân hàng Vietinbank đã sử dụng các sản phẩm công nghệ của mình để triển khai các chương trình làm việc từ xa, gặp mặt khách hàng trực tiếp từ xa. Nhiều khách hàng còn thích cách làm việc này bởi họ có thể giảm được chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian mà hiệu quả hơn.
Đồng thời, Ngân hàng Vietibank cũng thúc đẩy triển khai ứng dụng Online Banking trong giao dịch, giúp số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này của VietinBank tăng hơn nửa triệu tài khoản chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020. Ngân hàng Vietinbank dần ứng dụng trí AI vào tình hình thực tế để công việc tốt hơn.
Sự kiện nằm trong chuỗi AI4VN được tổ chức thường niên. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM, Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright thực hiện với sự đồng hành của chương trình Aus4Innovation, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Tập đoàn FPT.
Theo ông Lân, đơn vị này đang hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot để giải đáp các thắc mắc trong nghiệp vụ nội bộ của ngân hàng. Từ những tình huống hay gặp phải của nhân viên, hệ thống đào tạo để chatbot hiểu và từ đó tự động trả lời cho nhân viên. Theo đó, thay vì việc phải chờ sự giúp đỡ từ các bộ phận, nhân viên hoàn toàn có thể chat với chatbot để nhận được câu trả lời nhanh gọn.
Ngân hàng Vietinbank cũng đang hợp tác với FPT để thử nghiệm chatbot hỗ trợ cho khách hàng. "Chẳng hạn khi khách hàng mất thẻ, thay vì phải gọi điện hoặc đến cửa hàng giao dịch, khách hàng có thể chat với chatbot. Chatbot sẽ kiểm tra các thông tin về chủ sở hữu thẻ đó, các giao dịch và có thể hỗ trợ khách hàng khóa thẻ sau khi đã kiểm tra xong. Đây là việc dùng robot, dùng AI để thay thế các hoạt động của con người", ông Lân khẳng định.
Các chuyên gia đồng quan điểm rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống dữ liệu để có thể phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn trong các ngành.