Hệ thống camera giám sát tại 4 nút giao thông tại Bình Định: Đầu tư nhiều, hiệu quả thấp!

21/02/2019 17:23

(TN&MT) - Hệ thống camera giám sát tại 4 nút giao thông được lắp đặt ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước (Bình Định) với kinh phí hơn 4 tỉ đồng hoạt động kém hiệu quả; đến nay, gần như “tê liệt”, gây lãng phí.

81 camera
Hệ thống camera giám sát giao thông tại ngã tư Trần Phú - Quang Trung (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) ngưng hoạt động

Gồm, ngã năm đường Tây Sơn - Võ Liệu, ngã tư Nguyễn Thái Học - Ngô Mây (TP Quy Nhơn); ngã tư Trần Phú - Quang Trung (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) và ngã ba QL 1 - QL 19C (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước). Hệ thống các camera giám sát giao thông này được Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bình Định đầu tư, lắp đặt vào năm 2015, sau đó, bàn giao cho các địa phương sử dụng.

Tê liệt, chập chờn!

Đơn cử như hệ thống camera giám sát giao thông đặt tại ngã tư Trần Phú - Quang Trung (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) được lắp đặt với kinh phí gần 1 tỉ đồng trên 4 trụ đèn tín hiệu giao thông (3 mắt camera/trụ). Điều đáng nói, hệ thống camera này có độ phân giải khá thấp, khiến việc trích xuất hình ảnh để xử lý các trường hợp vi phạm giao thông gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian dài hoạt động kém hiệu quả, tháng 11.2018, CA thị xã An Nhơn đã văn bản gửi Ban ATGT tỉnh và các đơn vị liên quan (VNPT Bình Định và Điện lực An Nhơn) về việc thông báo cắt đường truyền tín hiệu và điện.

82 camera
2/3 trụ đèn tín hiệu được lắp đặt camera giám sát giao thông ở ngã ba QL 1 - QL 19C (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) bị hư hỏng. Trong ảnh: Độ phân giải camera hoạt động còn lại tại nút giao thông này cũng rất kém

Chung tình cảnh, 2 hệ thống camera giám sát tại ngã năm Tây Sơn - Võ Liệu, ngã tư Nguyễn Thái Học - Ngô Mây (TP Quy Nhơn) cũng dừng hoạt động từ năm 2017 đến nay. Thiếu tá Phan Đình Điểm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, CA TP Quy Nhơn, cho biết: “Hệ thống camera giám sát này lúc đầu đưa vào sử dụng hoạt động khá hiệu quả, giúp cho lực lượng chức năng trích xuất được hình ảnh xử lý được một số phương tiện vi phạm giao thông và xác minh, làm rõ được một vài vụ TNGT. Thế nhưng sau đó, hệ thống này bắt đầu bộc lộ sự chập chờn về tín hiệu; đến nay, phần mềm trích xuất hình ảnh và truyền tải tín hiệu đã hỏng, không còn hoạt động”.

Đối với hệ thống camera giám sát giao thông tại ngã ba QL 1 - QL 19C hoạt động cũng không hiệu quả. Đến nay, có 2/3 trụ được lắp camera dừng hoạt động; hiện chỉ còn hệ thống camera được lắp đặt tại trụ đèn tín hiệu giao thông hướng từ Bắc vào Nam còn hoạt động. Tuy nhiên theo cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, CA huyện Tuy Phước, các mắt camera này chỉ bắt được toàn cảnh, song độ phân dải cũng rất hạn chế. Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội CSGT, CA huyện Tuy Phước, bày tỏ: “Hệ thống camera giám sát này hoạt động chập chờn, không ổn định. Ảnh cận khi được trích xuất từ hệ thống gần như không xem được và rất khó xử lý các phương tiện vi phạm”.

Tốn kém, lãng phí!

Đó là đánh giá của đại diện các địa phương về tính năng hoạt động và hiệu quả mà hệ thống camera giám sát tại 4 nút giao thông tại TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước mang lại sau khi được đầu tư, lắp đặt. Thượng tá Lê Đức Minh, Phó trưởng CA thị xã An Nhơn, cho biết: “Mỗi năm CA thị xã phải trả phí đường truyền và điện cho hệ thống camera giám sát này hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hệ thống hoạt động kém hiệu quả. Lực lượng chức năng không trích xuất được hình ảnh để phục vụ công tác điều tra, xử lý”.

Chung quan điểm, trung tá Nguyễn Thành Trung, cho hay: “Một năm CA huyện cũng phải bỏ ra hơn 40 triệu đồng để chi trả tiền đường truyền và điện cung cấp cho 3 trụ camera giám sát hoạt động. Tuy nhiên, chất lượng trang thiết bị này hoạt động không đảm bảo, hư hỏng xảy ra thường xuyên, độ phân giải hạn chế. Trước thực trạng này, Đội đang làm văn bản tham mưu cho Trưởng Ban ATGT huyện xem xét, kiến nghị cấp trên can thiệp, xử lý”.

Làm việc với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định, nói: “Các hệ thống camera giám sát giao thông bị hư hỏng một phần do thời tiết và thời gian sử dụng đã lâu. Những hệ thống này sau khi lắp đặt được bàn giao lại cho CA các địa phương quản lý, sử dụng. Do đó, hệ thống camera nào bị hư hỏng thì địa phương đó có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục (!)”.

Về ý kiến này, thượng tá Lê Đức Minh, cho rằng: “Hệ thống camera được lắp trước đây vốn có độ phân giải kém, không bắt được cận cảnh thì có sửa cũng không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, chi phí sửa chữa lại khá lớn”. Cùng nhận định, thiếu tá Phan Đình Điểm, nêu ý kiến: “Có muốn sửa chữa, khắc phục lại thì phải có kinh phí. Hơn nữa, phần mềm của hệ thống này đã hỏng nặng. Do vậy, chi phí sửa chữa dự tính khá lớn. Đơn vị sử dụng khó bố trí được kinh phí để khắc phục”.

Có thể thấy, kinh phí để đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 4 nút giao thông trên địa bàn TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước là rất lớn. Trong khi chất lượng hoạt động theo đánh giá của các địa phương là kém hiệu quả. Để tránh tình trạng lãng phí như hiện nay, đòi hỏi đơn vị có liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình, nhằm sớm đưa ra hướng khắc phục, đảm bảo tính năng hoạt động hiệu quả cho hệ thống!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống camera giám sát tại 4 nút giao thông tại Bình Định: Đầu tư nhiều, hiệu quả thấp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO