Doanh nghiệp chây ỳ thuế, phí
Năm 2015, kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và việc thực hiện của chính quyền địa phương đã chỉ ra rằng: Tỉnh Cao Bằng đã để cho doanh nghiệp nợ đọng nghĩa vụ tài chính số lượng lớn, với tổng số tiền gần 47 tỷ đồng. Cá biệt có đơn vị nợ đọng thuế thời gian dài mà chưa có biện pháp thu dứt điểm. Trong khi đó, các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản không chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, không đăng ký phương pháp tính giá thuế tài nguyên với cơ quan thuế, hạch toán phần thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp vào phần được miễn do ưu đãi đầu tư, kê khai giá tính thuế thấp hơn giá bán thực tế của đơn vị ghi trên hóa đơn, đều đã vi phạm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính về vấn đề này.
2 năm sau kết luận này, đến nay, tình trạng thất thu này vẫn chưa có phương án giải quyết, nhiều doanh nghiệp đã nợ thuế nhiều năm, phá sản khiến con số nợ có thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước và sau khi đi vào khai thác mỏ… Trong số các doanh nghiệp hiện còn nợ thuế, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Công nghiệp măng gan Cao Bằng nợ trên 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng nợ trên 13 tỷ đồng; Công ty Than cốc và Khoáng sản Việt Trung nợ trên 14 tỷ đồng…
Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thúy Oanh, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cao Bằng cho biết, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, nhiều năm nay, cơ quan thuế đã trực tiếp đến gõ cửa lãnh đạo các doanh nghiệp để đôn thúc, nhưng phần lớn doanh nghiệp đều kêu gặp khó trong khai thác do trữ lượng không đảm bảo, trong khi giá thành giảm. Tỉnh Cao Bằng cũng đã quyết áp đến ngày 31/12/2016, doanh nghiệp nào chưa nộp tiền thuế phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi. Tuy vậy, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn dây dưa. Hàng tháng, ngành thuế đều thông báo công khai các doanh nghiệp nợ thuế cho UBND tỉnh, thông tin trên trang thông tin của thuế, đưa lên đài truyền hình, và gửi văn bản đến các doanh nghiệp, song vẫn không hiệu quả.
Bà Oanh cho rằng, cơ quan quản lý trước khi ký quyết định cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ cũng phải có trách nhiệm thẩm định tài chính, năng lực của doanh nghiệp. Nếu không cứ cấp rồi đẩy sang cho ngành thuế thu thuế, còn việc doanh nghiệp có hoạt động, tồn tại hay không cũng mặc kệ sẽ dẫn đến việc dây dưa, nợ thuế rất lớn, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.
Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, ông Thái Hồng Thịnh, Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng cho rằng, việc nợ thuế của doanh nghiệp chủ yếu là do tồn tại trước đây và sau khi thực hiện Nghị định 203 về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Hiện nay, quan điểm của tỉnh là doanh nghiệp không nộp thuế sẽ không gia hạn khai thác, nộp các loại thuế phí mới cấp phép khai thác.
Người dân sống khổ
Cơ quan chức năng vất vả đi đòi thuế còn người dân lại phải chịu khổ cực do hoạt động khai thác của doanh nghiệp gây ra. Có những doanh nghiệp chưa di dời hết các hộ dân nhưng vẫn vô tư hoạt động. Đơn cử như Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại Mỏ sắt Nà Rụa tại thành phố Cao Bằng với trữ lượng khai thác hơn 9,6 triệu tấn, diện tích khai thác 93 ha, công suất 350.000 tấn/năm, thời gian khai thác 28 năm. Vùng nguyên liệu được quy hoạch tại 7 tổ dân phố phường Tân Giang và 2 tổ dân phố của phường Hòa Chung, với tổng diện thu hồi, giải phóng mặt bằng gần 260ha. Trong đó, đất rừng 166ha, đất nông nghiệp 65ha, đất ở 14ha và đất giao thông gần 14ha.
Hàng ngày, từng đoàn xe tải oằn mình chở quặng tiến vào bãi luyện gang thép nằm ngay sát khu dân cư phường Tân Giang. Những ngôi nhà hai bên đường nứt toác tường tựa lưng vào bãi đá thải “khổng lồ”. Có những căn nhà đang chờ đổ sập mà tại đó vẫn còn các hộ dân đang sinh sống.
Trên căn nhà nhỏ nằm cheo leo trên đỉnh đồi đã bị sạt đường đi và đã phải đập 1 căn nhà để lấy lối đi lại, anh Trương Văn Côn cho biết, hiện trên đồi vẫn còn 6 - 7 hộ gia đình sinh sống và đang đứng trước nguy cơ đổ sập. Cách đây một tháng có căn nhà bị sập mất 1 nửa, may thay những người trong gia đình đều ở bên ngoài. Sau đó, công ty đã cho bố trí gia đình này ra chỗ khác.
Khi được hỏi về lý do tại sao các hộ gia đình chưa di dời, bà Lâm Thị Vẫy, một người dân ở tổ 14, phường Tân Giang cho biết: “Mình ở đây nguy hiểm lắm chứ. Nắng rất bụi, mưa đất sạt xuống đè mất nhà. Năm vừa qua, nhà ông Xầm Văn Phấn, nhà bà Hoàng Thị Thều đã bị đổ sập rồi. Thấy vậy, lo và muốn đi lắm, nhưng đi phải có đất mới chuyển được nhà chứ”.
Người dân nơi đây cho biết trước đây, khi giải phóng mặt bằng, phía công ty có bảo sẽ hỗ trợ tiền để dân tự tìm chỗ tái định cư. Nhưng đến nay, công ty này chỉ đền bù tài sản trên đất, còn đất ở, nhà cửa tái định cư thì họ chưa chịu bố trí.
Cũng theo các hộ dân ở đây, thời gian qua, do công ty chưa bố trí đất tái định cư nên tình trạng nứt và sập nhà tại khu vực tổ 14 đã xảy ra liên tiếp mặc dù người dân đã kêu cứu tới các cơ quan chức năng nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được quan tâm, xử lý.
Về phía địa phương, bà Nông Thị Minh Thiên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Tân Giang (thành phố Cao Bằng) khẳng định, việc các hộ dân đang sinh sống ở khu vực bãi đá thải mỏ sắt Nà Rụa mà không di dời là do việc đền bù, tái định cư chưa ổn thỏa. Để giải quyết việc này, phường cũng đã nhiều lần mời Công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng đến dự tiếp xúc cử tri, nghe dân nói nhưng họ cũng không đến” - bà Thiên nói.
Để có thêm ý kiến từ phía doanh nghiệp, chúng tôi đã liên hệ với ông Vương Thanh Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng, nhưng vị lãnh đạo này không nghe máy.
Tuyết Nhi