Hậu họa từ việc khai thác vàng: Dân nghèo đi - Nhà nước thất thu

18/11/2014 00:00

(TN&MT) - Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì lách luật trốn thuế, nợ thuế. Trong khi đó hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và vàng nói riêng diễn ra...

(TN&MT) - Người dân sống gần nơi khai thác vàng mất đất canh tác, quanh năm đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, sạt lở đất cùng nhiều tệ nạn xã hội phát sinh. Ở vùng hạ du thì hàng triệu người phải dùng chung nguồn nước bị nhiễm chất độc Cyanua, gồng mình chống chọi với lũ lụt do phá rừng đầu nguồn để khai thác vàng.
   
Ô nhiễm nguồn nước, mất đất 
   
  Thời gian qua, hệ lụy của việc đào đãi vàng sa khoáng trái phép khiến những dòng sông ở thượng nguồn các huyện miền núi Quảng Nam đều bị ô nhiễm nặng. Những bãi thải nồng nặc Cyanua là hiểm họa khôn lường với người dân trong mùa mưa bão. Nước sông khi chảy về vùng hạ du đục ngầu bởi các chất thải độc. 
   
  Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, cho biết: “Nước thải, chất thải (có sử dụng chất độc Cyanua, thủy ngân) từ các điểm khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn sông chính là thủ phạm biến nguồn nước ngọt một số nơi thành nước độc, giết chết các loài thủy sinh. Chưa có thống kê đầy đủ nào về mức độ tàn phá môi trường ở khu vực hạ nguồn các dòng sông, nhưng sự thật là đang có nhiều dòng sông chết dần, biến dạng”.
   
   
Khai thác vàng lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn.
   
  Nhiều khúc sông Đắc Mi, sông Bung, Nước Mỹ (những nhánh nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn) khô khốc, lởm chởm đá. Lòng sông Bung, đoạn dưới đập dâng nhà máy thủy điện thuộc địa phận thôn Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) nham nhở bởi tình trạng đào đãi vàng sa khoáng. Nếu nước sông Bung đổi màu do hứng đất, đá, hóa chất độc hại thì con sông Nước Mỹ (đoạn xã Cà Dy, Nam Giang) và thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, Phước Sơn) gần như đã “chết” hoàn toàn. Chủ tịch UBND xã Phước Xuân - ông Nguyễn Chí Sâm ngậm ngùi: “Lúc trước, nước sông dồi dào là nguồn sống cho đồng bào đánh bắt thủy sản, nay tôm cá chết rồi. Sông cạn còn mở đường giúp lâm tặc vào triệt hạ rừng và phu vàng đổ về không thể kiểm soát được”.
   
  Kết quả phân tích nguồn nước tại điểm Giao Thủy thuộc sông Thu Bồn, sông Bến Giằng (đoạn cầu Bến Giằng) của cơ quan chức năng cho thấy, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước (SS) luôn ở mức cao. Đây là hậu quả của nạn khai thác khoáng sản khu vực đầu nguồn, thi công xây dựng thủy điện, đường giao thông... Điều này gây khó khăn cho các công trình xử lý nước sinh hoạt ở vùng hạ lưu.
   
  Không chỉ vậy, các đầu nậu khai thác vàng còn mua ruộng, đất của dân địa phương để làm mỏ khai thác. Điển hình cho câu chuyện bán ruộng đất cho nậu vàng để rồi rơi vào cảnh nghèo đói là đại gia đình già làng Bhờ Nướch Bếp (64 tuổi, thôn Pà Lanh, xã Cà Di, huyện Nam Giang). Có điều, già Bhờ Nướch Bếp không tự nguyện bán ruộng cho đầu nậu mà buộc phải bán. “Không bán thì họ khai thác bên cạnh, ruộng bị nở, cây cối hỏng hết. Không canh tác được thì đành phải bán thôi”. Già Bhờ Nướch Bếp nói.
   
Nhà nước thất thu
   
  Quảng Nam được các chuyên gia đánh giá là tỉnh có trữ lượng vàng lớn, tuy nhiên, ông Lương Đình Đường - Cục phó Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, theo lý thì tỉnh sẽ có nguồn thu đáng kể từ việc khai thác loại khoáng sản quý này, nhưng thực tế lại cho thấy người dân chưa được hưởng lợi gì. 
   
  Trong khi đó, các doanh nghiệp liên tiếp viện cớ để dây dưa trốn, nợ thuế. Ngành thuế thì gần như bất lực trong việc kiểm soát trữ lượng khai thác và đôn đốc doanh nghiệp trả nợ. Cùng với việc khai thác vàng tràn lan là sự tiếp tay, bao che của chính quyền sở tại khiến việc chảy máu tài nguyên tăng mạnh.
   
  Ông Đường cho rằng, cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khai thác là lỗ hổng lớn nhất gây khó cho ngành thuế trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực của doanh nghiệp. Một bất cập nữa là nhiều doanh nghiệp hết hạn khai thác, trong thời gian xin gia hạn vẫn nghiễm nhiên được khai thác mà không phải đánh thuế. Đó là nguyên nhân gây thất thu lớn từ việc thu thế tài nguyên. Thuế tài nguyên của tỉnh Quảng Nam từ năm 2012 là trên 263 tỉ. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2014 loại thuế này giảm mạnh chỉ còn 98 tỷ. Trong đó tỷ trọng đóng góp từ vàng khá lớn, năm 2013 là 155 tỷ nhưng 10 tháng đầu năm 2014 giảm chỉ còn 30 tỷ. 
   
  “Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì lách luật trốn thuế, nợ thuế. Trong khi đó hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và vàng nói riêng diễn ra tràn lan. Đó là lí do tài nguyên bị chảy máu, nguồn phí từ khai khoáng bị thất thu. Suy cho cùng khổ nhất vần là người dân, họ chẳng được lợi gì, trong khi bao nhiêu hệ lụy từ khai khoáng họ hứng tất”, ông Đường chia sẻ.
   
  Những nhận định của ông Lương Đình Đường không phải là không có cơ sở, khi đời sống của dân địa phương, đặc biệt là những nơi có sự xuất hiện của mỏ vàng đa phần đều khó khăn. Cụ thể, trừ thị trấn Khâm Đức có tỷ lệ hộ nghèo 21,85%, hầu hết các xã của huyện Phước Sơn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% và có đến 93,55% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Một số xã có tỉ lệ hộ nghèo cao như xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Chánh, Phước Công, Phước Năng, Phước Hòa kể cả Phước Đức - nơi có trữ lượng vàng rất lớn nhưng toàn huyện tỉ lệ hộ nghèo là 53,72%.
   
  Theo báo cáo của MTTQ huyện Phú Ninh, tính đến nay toàn huyện hộ nghèo còn 7,44%, cận nghèo 10,22%. Đáng chú ý, xã Tam Lãnh, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu, là xã có diện tích gần 7.000ha, dân số 7.800 người nhưng đất nông nghiệp chỉ có 176ha. Hiện hộ nghèo còn đến 11%. 
   
Bài và ảnh: XUÂN LAM
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu họa từ việc khai thác vàng: Dân nghèo đi - Nhà nước thất thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO