Mục tiêu chính của Kế hoạch này là phấn đấu 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có nơi ở đảm bảo an toàn; kéo giảm thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 xuống còn 30%; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai.
Và 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% nhà dân được tuyên truyền, hướng dẫn cách chằng chống nhà cửa; 100% số xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu về dân sinh và quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các Sở, Ngành liên quan, UBND cấp huyện tập trung rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành; xây dựng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, điều tra, khảo sát, xây dựng và phê duyệt dự án để triển khai đầu tư.
Đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang có trách nhiệm chỉ đạo nâng cao năng lực đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất của cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu, hiện đại hóa các công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc xây dựng, cập nhật kế hoạch phòng chống thiên tai ở các cấp, phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là dân quân tự vệ.
Ngoài ra, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc đưa nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và kế hoạch phát triển của các ban, ngành; kiểm soát việc đầu tư công trình hạ tầng để hạn chế làm gia tăng rủi ro thiên tai; rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình phòng, chống thiên tai…
Đối với các Sở, Ban ngành và đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chủ động khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai.
Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đã xảy ra nhiều cơn mưa lớn kèm theo giông lốc khiến cho 25 căn nhà bị sập hoàn toàn, làm tốc mái 35 căn nhà, ước thiệt hại 670 triệu đồng. Cạnh đó, gây thiệt hại hàng trăm ha lúa của người dân ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A,...