Hậu Giang - Sóc Trăng: Áp lực với môi trường từ chăn nuôi gia súc, gia cầm

Lê Hùng| 22/09/2019 14:34

(TN&MT) - Chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL. Song, cùng với sự phát triển đó, ngành chăn nuôi cũng gây ra sức ép không nhỏ đối với môi trường đất, nước, không khí...

CN1
Chất thải, nước thải phát sinh từ chăn nuôi heo, gây áp lực không nhỏ cho môi trường

Hệ lụy cho môi trường

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang có khoảng 260 cơ sở chăn nuôi heo, gà, vịt quy mô vừa và lớn. Trong đó, loại hình chăn nuôi heo tập trung nhiều tại TX. Ngã Năm, huyện Kế Sách, huyện Châu thành. Còn chăn nuôi gà, vịt thì tập trung ở địa bàn các huyện Châu Thành và Kế Sách.

Báo cáo hiện trạng môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng của Sở TN&MT Sóc Trăng mới đây cho thấy, khối lượng chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực chăn nuôi mỗi năm khoảng 633.000 tấn và nước thải trên 12.000.000 m3. Dự kiến đến năm 2020, sẽ tăng lên 12.300.000 m3 nước thải và trên 673.000 tấn chất thải.

Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, hiện mới chỉ có khoảng 20% cơ sở chăn nuôi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh có đầu tư công trình xử lý chất thải. Không chỉ vậy, hiệu quả xử lý từ các công trình này còn rất thấp, phần lớn nước thải, chất thải chưa được xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn được thải ra các kênh, rạch, từ đó dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra 07 cơ sở chăn nuôi heo, gà thì đã phát hiện 03 cơ sở tại địa bàn huyện Trần Đề và huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về BVMT. Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã ra Quyết định xử phạt 03 cơ sở chăn nuôi này với tổng số tiền 128 triệu đồng.

Tại tỉnh Hậu Giang, tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường cũng thường xuyên xảy ra. Điển hình là cơ sở nuôi gà đẻ công nghiệp Xuân Mai, xã Hiệp Lợi, TX. Ngã Bảy. Vào cuối năm 2016, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đã ra Quyết định xử phạt cơ sở này với số tiền 9,5 triệu đồng vì đã thải mùi hôi thối ra môi trường.

Bà Trịnh Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng TN&MT TX. Ngã Bảy cho biết, đến cuối năm 2018, cơ sở chăn nuôi gà đẻ công nghiệp Xuân Mai lại tiếp tục phát sinh mùi hôi thối, ruồi ra khu vực xung quanh gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục để xử lý theo quy định thì cơ sở này ngưng hoạt động.

“Hiện tại, các ngành chứng năng và chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng đang giám sát chặt chẽ, nếu cơ sở này hoạt động trở lại mà không đảm bảo được các điều kiện theo quy định của pháp luật về BVMT thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường” - bà Trịnh Thị Ngọc Diễm cho hay.

CN2a
Hộ nuôi áp dụng mô hình nuôi gà bằng đệm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải

Đồng bộ các giải pháp

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và đảm bảo hài hòa giữa phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVMT trong quá trình chăn nuôi cho các chủ cơ sở. Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những chủ cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chị cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động chăn nuôi gia súc quy mô trang trại là chủ cơ sở phải đảm bảo các điều kiện về khoảng cách xây dựng cách bệnh viện, trường học,… tối thiểu là 100m; đảm bảo điều kiện về nền chuồng, đường thoát nước thải; thực hiện thu gom và xử lý chất thải theo quy định.

“Đối với các hộ chăn nuôi có phát sinh chất thải nguy hại thì phải đăng ký chủ nguồn thải với Sở TN&MT và phải có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại, bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật...” - bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm cho biết thêm. 

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hiện nay, một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất trong công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cẩm ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là đa phần các hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ nên rất dễ xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang) cho biết: Phòng TN&MT huyện, thị xã, thành phố sẽ phối hợp với các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT để các hộ chăn nuôi nhận thức được trách nhiệm đối với việc xử lý nước thải, chất thải phát sinh. Đồng thời, có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những hộ chăn nuôi cố tình vi phạm các quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Song song đó, ông Đào Trọng Ngữ cũng mong muốn các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang sớm triển khai quy hoạch lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức tập trung kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vừa chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang - Sóc Trăng: Áp lực với môi trường từ chăn nuôi gia súc, gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO