Hậu Giang: Quản lý, khai thác hiệu quả đất đai giúp giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Xác định đất đai là nguồn lực quan trọng, góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến giảm nghèo bền vững, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh.
Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai thực hiện các quy định của Luật Đất đai; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương; đồng thời, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai để thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã tăng cường khai thác quỹ đất công tạo nguồn thu cho ngân sách. Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Hậu Giang, từ năm 2019 đến nay, hàng năm, thông qua công tác đấu giá QSDĐ đã nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, đây là nguồn lực quan trọng giúp Hậu Giang tái đầu tư xây dựng các công trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho biết: Bên cạnh việc quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất công, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng, tỉnh Hậu Giang còn tập trung đầu tư tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án phát triển kinh tế. Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang sẽ đầu tư khoảng hơn 574 tỷ đồng để tạo quỹ đất sạch cho 11 dự án, khu đất với tổng diện tích hơn 95ha. Qua đó, kịp thời giải quyết nhu cầu về đất để đầu tư xây dựng công trình, dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Bên cạnh đó, thực hiện theo các quy định của Luật Đất đai 2013, tỉnh Hậu Giang còn tập trung triển khai mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích người dân yên tâm đầu tư cải tạo đất đai giảm nguy cơ suy thoái và ô nhiễm đất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững
Tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên hơn 160.772 ha, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, hạn chế tối đa tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, địa phương đã đẩy mạnh tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, chăn nuôi có quy mô hàng ngàn ha; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao năng xuất, giá trị sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho người nông dân hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trước đây cây mía được xem là loại cây trồng giúp người dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang xóa đói giảm nghèo, do đó diện tích đất trồng mía của địa phương này không ngừng tăng lên và đến năm 2010, huyện Phụng Hiệp có tổng cộng gần 9.000 ha đất trồng mía và mỗi năm cung ứng hơn 1 triệu tấn mía nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, do tác động của thị trường, chi phí đầu tư, thời tiết... đã khiến cho giá mía xuống thấp ảnh hưởng đến cuộc sống của những người trồng mía.
Ông Trần Không Vận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết: Đứng trước thực tế nêu trên, để đảm bảo thu nhập cho người dân, huyện Phụng Hiệp đã triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất mía; đồng thời, vận động, hướng dẫn người trồng mía chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như chuối, mít, khóm. Sau một thời gian tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất mía, đến nay huyện Phụng Hiệp chỉ còn khoảng 3.700 ha đất trồng mía, giảm 5.300 ha so với năm 2010.
Cách đây 3 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) đã quyết định chuyển 6 công đất trồng mía sang trồng khóm MD2. Do được chính quyền địa phương hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cùng với giá cả ổn định, nên mỗi năm sau khi trừ hết các khoản chi phí mua cây giống, phân bón, nhân công… gia đình ông Hiếu cũng còn lãi hơn 20 triệu đồng/công. “Với số tiền lãi thu được hàng năm từ cây khóm đã giúp cho cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước, đồng thời có điều kiện sửa chữa lại nhà cửa, cho con cái ăn học ” - ông Hiếu phấn khởi nói.
Cùng với việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mía, người dân ở các xã Thạnh Hòa, Hòa Mỹ, Hiệp Hưng... (huyện Phụng Hiệp) cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng tràm, chuối, xả. Năm 2021, ông Nguyễn Thanh Hoàng (xã Thạnh Hòa) đã chuyển đổi 8 công đất vườn tạp sang trồng chuối xen canh với cây xả. Ông Hoàng chia sẻ: “Trồng chuối xen với cây xả không tốn nhiều chi phí phân bón, chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn các loại cây trồng khác. Với cách làm này mỗi năm, 8 công đất trồng chuối và sả cho lợi nhận khoảng 200 triệu đồng, giúp gia đình tôi cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo”.