(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND, về việc cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nguồn nước sạch giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Mục tiêu chính của kế hoạch này là huy động và tập trung các nguồn lực để giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các hệ thống cấp nước do Công ty CP Cấp thoát nước – Công trình đô thị và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang quản lý xuống dưới 18% vào năm 2020.
Công nhân Công ty CP Cấp thoát nước- Công trình đô thị Hậu Giang đang mở ống dẫn nước sạch tại tuyến đường Võ Văn Kiệt, phường V, TP. Vị Thanh, Hậu Giang. |
Với lộ trình này thì năm 2017 tỷ lệ thất thoát, thất thu nguồn nước sạch tại các hệ thống cấp nước do Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang quản lý còn 18,5%; năm 2018 giảm xuống bình quân 18%; năm 2019, giảm còn 17,5% và năm 2020 còn dưới 17%.
Đối với các hệ thống cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang quản lý thì, năm 2017 tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân còn 24%; năm 2018 giảm xuống 23%; năm 2019 giảm xuống 22% và năm 2020, giảm xuống còn dưới 21%. Đối với các hệ thống cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang và sẽ đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch phấn đấu còn dưới 18%...
Để thực hiện được mục tiêu này, nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan liên quan là phải thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát các mạng lưới dùng nước, có dịch vụ chăm sóc khách hàng, chống đấu nối trái phép; đầu tư lắp đặt hệ thống tự động để điều khiển, kiểm soát số liệu, tự động điều chỉnh áp lực, lưu lượng nước cấp trên mạng lưới thông qua hệ thống biến tần được lập trình tự động lắp đặt tại trạm bơm cấp II và trạm tăng áp, đảm bảo áp lực làm việc thích hợp cho mạng lưới, giảm thiểu các sự cố xì, vỡ ống, giảm tỷ lệ thất thoát nước; xây dựng cơ chế khoán cho từng đơn vị trong công tác chống thất thoát và tỷ lệ được hưởng khi giảm được thất thoát, thất thu nước; quản lý và giám sát chặt chẽ hệ thống tính tiền đảm bảo chuẩn xác; đọc đồng hồ không bị sai lệch; thu tiền đầy đủ; xác định được khối lượng nước khi sử dụng cho các mục đích công ích như: tưới cây, rửa đường, chữa cháy, súc rửa đường ống hợp lý và tiết kiệm; đặc biệt là các sự cố vỡ ống, hư hỏng cần được xử lý kịp thời; tăng cường năng lực quản lý, trách nhiệm quản lý gắn liền với tuyên truyền vận động giáo dục cho cộng đồng. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác phát triển cấp nước, sử dụng nước và bảo vệ hệ thống cấp nước, nguồn nước. Phối hợp tổ chức triển khai hoạt động cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn...
Hiện nay, Công ty CP Cấp thoát nước- Công trình đô thị tỉnh Hậu Giang có hệ thống 10 mạng lưới cấp nước lớn, nhỏ tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cấp nước cho 41.409 hộ, tổng công suất nước cấp là 27.290m3/ngày đêm. Còn Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang quản lý, vận hành, khai thác 31 trạm tập trung, cung cấp nước sạch cho 35.978/143.526, chiếm tỷ lệ 25,1%, tổng số hộ dân nông thôn trong toàn tỉnh, tổng sản lượng nước cung cấp bình quân hàng tháng là 277.954m3.
Theo số liệu thống thống kê từ các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, trong giai đoạn 2011 đến 2016, do rò rỉ, xì bể từ mạng lưới truyền dẫn và phân phối; đồng hồ không chính xác; ... đã làm cho tỉ lệ thất thoát, thất thu nước tại các hệ thống cấp nước do Công ty CP Cấp thoát nước- Công trình đô thị Hậu Giang quản lý năm giao động từ 17,68% đến 27,01%, cụ thể 2011 là 25,48%; năm 2012 là 27,01%;...năm 2016 là 17,68%. Đối với tỉ lệ thất thoát, thất thu nước tại các hệ thống cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý giai đoạn 2011 đến 2016 còn tương đối cao từ 25% đến 35%...
Lê Hùng