Xã hội

Hậu Giang: Đất mặn đã sinh sôi trái ngọt...

Lê Hùng 24/07/2023 - 16:09

(TN&MT)-Sống trên mảnh đất cứ đến mùa là ngập mặn, độ phèn cao nhưng người dân Hậu Giang không cam chịu số phận  cái nghèo đeo bám...Bằng sự cần cù, chịu khó và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng, đến nay những người nông dân đã "bắt đất mặn sinh sôi cây trái ngọt" . Nhiều hộ nông dân đã đổi đời từ khi chuyển đổi cây trồng, thích ứng BĐKH và còn "truyền kinh nghiệm" cho rất nhiều bà con học theo cách làm để trở thành vùng chuyên canh cây trái ...

a1-nong-dan.jpg
Nhờ việc khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai đang giúp cho kinh tế gia đình ông Thái Văn Hiếu ngày càng khấm khá hơn.

Nương theo đất, thuận tự nhiên

Vẫn biết câu "Ơn trời mưa nắng phải thì", để làm nông nương theo thời tiết, thế nhưng tư duy "thuận thiên" chỉ được nhân rộng và ứng dụng sâu sắc từ khi có Nghị quyết ứng phó BĐKH của đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây, người dân đã biết "lựa" thời tiết mà làm nông nghiệp, "lựa" chất đất mà gieo cấy cây trồng. Họ đã linh hoạt triển khai các phương thức sản xuất theo phương châm: nơi nào mặn xâm nhập thì chuyển qua nuôi tôm kết hợp với trồng lúa; nơi nào thiếu nước thì chuyển qua trồng rau màu, cây ăn trái còn nơi bị ngập sâu thì nuôi thủy sản. Nhờ sự linh hoạt này đã giúp cho việc sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, kinh tế của nhiều hộ gia đình dần trở nên khấm khá từ chính mảnh đất của mình.

Giữa tiết trời mùa hè oi ả, men theo con đường Quốc lộ 61C, chúng tôi bắt gặp ông Thái Văn Hiếu vẫn mải mê phát hoang bờ ruộng để chuẩn bị cho một mùa vụ mới mặc cho cái nắng nóng tháng năm đang hoành hành. Qua vài lời thăm hỏi, chúng tôi được biết ông Hiếu (ngụ ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A), là một hộ nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Chỉ tay về thửa ruộng mới xạ lúa, ông bật mí: “Sau 40 năm khai thác, nguồn thu hàng năm từ thửa đất này đã giúp vợ chồng tôi có đủ tiền xây mới một ngôi nhà tường khang trang đồng thời sắm lễ cưới vợ, gả chồng cho 5 người con và còn tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng để dưỡng già…”.

Thành quả ngày hôm nay là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực hết mình của vợ chồng ông Hiếu trong việc cải tạo, thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Dạo gần đây, dù thời tiết và nguồn nước không còn thuận lợi cho sản xuất như trước, nhưng vợ chồng ông Hiếu vẫn biết cách khai thác hiệu quả phần đất của mình. Với phần đất tiếp giáp kênh thủy lợi có nguồn nước dồi dào, ông Hiếu be bờ để trồng lúa 2 vụ/năm; phần đất mô cao thì ông chuyển qua trồng xoài kết hợp xen canh chanh, tắc để thích nghi với nguồn nước, từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chỉ cách đây vài năm, những líp mía, bờ cam là những hình ảnh mà con người ta dễ dàng bắt gặp dọc theo hai bên đường Tỉnh lộ 927 nhưng nay, nhờ nông dân mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng chủ lực trước đây sang những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn mà huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Là một trong những người tiên phong chuyển đổi diện tích đất mía sang trồng sầu riêng, đến nay ông Lê Văn Sáu (ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) đã có tổng cộng 5,5 ha sầu riêng đã cho trái với sản lượng mỗi năm từ 50 đến 60 tấn.

“Trước đây, gia đình tôi cũng trồng mía, làm ruộng như nhiều hộ dân khác nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau một thời gian loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp, cuối cùng tôi quyết định chọn cây sầu riêng để khởi nghiệp. Nhờ điều kiện đất đai phù hợp nên cây sầu riêng phát triển xanh tốt đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Hiện nay, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí, vườn sầu riêng của tôi cũng cho thu nhập gần 1 tỉ đồng mỗi năm”- ông Lê Văn Sáu phấn khởi cho biết.

a2-nong-dan.jpg
Nhiều hộ nông dân tỉnh Hậu Giang đang giàu lên nhờ trồng cây sầu riêng.

Hỗ trợ nông dân làm giàu

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 160.772 ha, trong đó hầu hết là đất nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chính của phần lớn các hộ gia đình ở Hậu Giang. Cùng với sự nỗ lực miệt mài của người nông dân, chính quyền địa phương cũng đang ra sức hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn tài nguyên đất. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, đời sống của người dân Hậu Giang không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 66 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,44%/năm (tương đương khoảng 140 hộ/năm).

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cây trồng, trung bình mỗi năm huyện Phụng Hiệp có từ 500 đến 700 ha đất mía, đất kém hiệu quả chuyển sang đất sản xuất các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện đạt 10.600ha vào cuối năm 2022.

“Hơn 80% diện tích đất chuyển đổi sang trồng cây ăn trái cho lợi nhuận cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với trước đây. Hiện nay toàn huyện có hơn 1.000 mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có gần 110 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, áp dụng quy trình VietGap, Globap Gap với doanh thu từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/ năm”- ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho hay.

Với mục tiêu quản lý, khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, hiện nay, các cơ quan, đơn vị chức năng huyện Phụng Hiệp đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển việc đổi cây trồng trên đất mía, đất vườn tạp sang trồng các loại cây có múi có giá trị kinh tế cao; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân tuân thủ quy hoạch vùng sản xuất; lựa chọn cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của từng vùng.

Huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là địa phương đang phải thường xuyên chịu tác động của ngập và xâm nhập mặn khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. Để ứng phó với thiên tai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, các cơ quan, đơn vị chức năng huyện Long Mỹ đang tích cực hỗ trợ người dân cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp, tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, chăn nuôi quy mô lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cải thiện thu nhập cho người nông dân.

a3-nong-dan.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa để nâng cao thu nhập.

Theo đó,  vùng đất trũng thấp ven sông, huyện Long Mỹ hỗ trợ người dân địa phương khai thác để trồng tràm cừ kết hợp với nuôi thuỷ sản nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai nông hộ, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Trò chuyện với phóng viên, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ chia sẻ: “Theo tính toán của huyện, sau 3 năm trồng tràm, lợi nhuận người dân đạt được từ 90 đến 100 triệu đồng/ha, đây là nguồn thu nhập lớn đối với người dân trên địa bàn huyện, nơi có điều kiện sản xuất khó khăn do đất đai thuộc vùng trũng thấp, bị nhiễm phèn, mặn”.

Bởi lẽ, chính tinh thần chịu thương chịu khó của người nông dân, cộng thêm sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền đang từng bước nâng cao đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần của người dân Hậu Giang. Hy vọng ở một tương lai không xa, Hậu Giang sẽ trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Đất mặn đã sinh sôi trái ngọt...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO