Hậu Giang: Chủ động thực hiện các giải pháp PCCC rừng

11/04/2017 00:00

(TN&MT) - Tại buổi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên đề nghị các đơn vị quản lý rừng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, du khách, các cơ sở thuê kinh doanh du lịch... nâng cao ý thức PCCCR, thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị nhằm đảm bảo tư thế sẵn sàng PCCCR cũng như tăng cường công tác tuần tra, đặc biệt là những điểm trọng yếu, đảm bảo phân công lực lượng ứng trực các tháp canh ngay cả ngày lễ, ngày nghỉ.

Lực lượng và phương tiện tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng luôn trong tư thế sẳn sàng cho công tácPCCCR.
Lực lượng và phương tiện tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng luôn trong tư thế sẳn sàng cho công tácPCCCR.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có trên 2.500 ha rừng, trong đó hơn 1.300 ha rừng đặc dụng, trên 1.100 ha rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy. Theo đánh giá từ các đơn vị quản lý rừng, mặc dù thời tiết từ đầu mùa khô đến nay không gay gắt như cùng kỳ năm 2016, nhưng để đạt mục tiêu năm thứ bảy liên tiếp không để xảy ra các vụ cháy rừng, nên các cơ quan, đơn vị chức năng cần tích cực triển khai các giải pháp PCCCR khi đã bước vào giai đoạn cao mùa khô năm 2017.

Ghi nhận tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài việc phân công lực lượng ứng trực thì Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn tích cực tổ chức các cuộc tuyên truyền đến hơn 1.000 cán bộ, người dân xung quanh khu bảo tồn để nâng cao trách nhiệm cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR.

Bên cạnh đó, "Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn thường xuyên phân công lực lượng khơi thông dòng chảy, nên hiện nay các tuyến kênh không còn bị cỏ, lục bình làm tắc nghẽn. Song song đó khu bảo tồn còn tiến hành công tác gia cố cống, đập, bửng để giữ nước, đồng thời thường xuyên kiểm tra, vận hành các trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra..."- ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho hay.

Còn tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc của Trung tâm thông tin, từ đầu mùa khô năm 2017 đến nay, thời tiết có nắng nóng ảnh hưởng đến sự bốc hơi của nước tại các khu rừng, tuy nhiên triều cường trước và sau tết dâng cao, đặc biệt là có mưa trái mùa với lượng mưa lớn và kéo dài, nên trong rừng những khu vực trũng vẫn còn lưu trữ nước, là thực bì xanh tươi...nên khả năng xảy ra cháy rừng vào thời điểm này là rất thấp.

Các cống, đập chính tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được gia cố để giữ nước, ứng phó với mặn xâm nhập.
Các cống, đập chính tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được gia cố để giữ nước, ứng phó với mặn xâm nhập.

Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan chuyên môn thì trong tháng 4/2017 sẽ là cao điểm của mùa khô năm nay. Vì thế, các đơn vị quản lý rừng không chủ quan, lơ là mà trái lại họ đang tích cực triển khai các biện pháp PCCCR. Theo ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, đơn vị đã phân công lực lượng ứng trực dưới mặt đất và trên tháp canh kể cả ngày lễ, ngày nghỉ để PCCCR...

Cùng với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hiện nay các đơn vị quản lý rừng tràm tại huyện Vị Thủy, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân cũng đang quyết liệt thực hiện công tác PCCCR. Tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, ngoài lực lượng chuyên dụng trong tuần tra bảo vệ rừng thì lãnh đạo trung tâm còn phân công lực lượng ở khối văn phòng tham gia ứng trực, nhằm tăng cường hỗ trợ cho đội tuần tra tại vườn chim và đội sản xuất 1. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân cho biết thêm: “Xác định vườn chim là khu vực trọng tâm trong công tác PCCCR, nên vào giai đoạn cao điểm, chúng tôi thường tập trung lực lượng, ngoài tuần tra rừng, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền cho các chủ cơ sở thuê kinh doanh và khách du lịch nâng cao nhận thức trong PCCCR, đồng thời tổ chức dọn kênh mương, vệ sinh ngọn cành tràm sau khi khai thác, dự trữ đầy đủ nhiên liệu cần thiết để sẵn sàng ứng phó”.

Với sự chủ động trong việc đưa ra các giải pháp từ các cơ quan, đơn vị quản lý rừng, cùng sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của các Sở, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cho công tác PCCCR, đây sẽ là tiền đề để Hậu Giang hoàn thành được mục tiêu là năm thứ bảy liên tiếp không để xảy ra các vụ cháy rừng.

Lê Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Chủ động thực hiện các giải pháp PCCC rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO