Xã hội

Hậu Giang chủ động phòng, chống thiên tai hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững

Lê Hùng (thực hiện) 07/07/2023 - 19:32

(TN&MT) - Các loại thiên tai như sạt lở, dông lốc, xâm nhập mặn đang thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và gây nhiều thiệt hại cho người dân. Trước thực trạng này, tỉnh Hậu Giang chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, góp phần đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

a11-thien-tai-hg.jpg
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang

PV: Thưa ông, trong những năm gần đây các loại thiên tai đã gây thiệt hại như thế nào cho người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Trong những năm gần đây, mỗi năm tỉnh Hậu Giang phải đối mặt với nhiều loại thiên tai như sạt lở bờ sông, dông lốc, sét, triều cường, xâm nhập mặn. Vào mùa khô hàng năm (từ tháng 12 của năm trước đến tháng 5 của năm sau), nước mặn từ biển Tây xâm nhập sâu vào địa bàn tỉnh Hậu Giang với nồng độ cao đã gây nhiều thiệt hại về lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản của người dân; đồng thời vào thời điểm từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, mưa lớn thường xuyên trên diện rộng kết hợp với triều cường dâng cao làm cho nhiều diện tích cây trồng của bà con nông dân ở vùng trũng thấp bị ngập sâu.

Không chỉ thế, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây và gây ra nhiều thiệt hại về đất đai, tài sản của người dân; đồng thời các vụ sạt lở còn làm hư hại nhiều công trình cầu, đường,… ở các địa phương.

Về thiệt hại do các loại thiên tai gây ra, trong năm 2022, mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng của gần 6.100 ha lúa, cây ăn trái, hoa màu và nuôi trồng thủy sản của người dân, trong đó có 1.740 ha lúa, 4.967 ha cây ăn trái, hoa màu,… ước tổng thiệt hại khoảng 18,5 tỷ đồng; đồng thời các hiện tượng dông lốc cũng đã gây hư hại nhiều căn nhà, công trình kiến trúc của người dân.

Cùng với đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù là thời điểm của mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra tổng cộng 47 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài 1.200m, làm mất khoảng 7.200m2 đất và gây ảnh hưởng đến một số căn nhà của người dân, ướng tổng thiệt hại từ các vụ sạn lở này khoảng 5 tỉ đồng.

a22-thien-tai-hg.jpg
Sạt lở bờ sông, kênh rạch đang ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

PV: Vậy, công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ổn định nơi ở, yên tâm sản xuất, đảm bảo thu nhập, cải thiện đời sống đã được tỉnh Hậu Giang thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Thiên tai luôn là một thách thức lớn đối với sự phát triển của mỗi địa phương. Tỉnh Hậu Giang không phải là ngoại lệ khi đang phải đối mặt với nhiều loại thiên tai và gây ra nhiều thiệt hại đến tài sản, đất đai và đời sống của người dân. Đứng trước thực tế này, trong thời gian qua, từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để thực hiện các công trình, dự án phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả do các loại thiên tai gây ra.

Để chủ động ứng phó thiên tai, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trước các loại thiên tai, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư, nâng cấp hệ thống đê, cống, kênh để chống ngập và ngăn mặn; tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong cảnh báo ngập lụt để giúp người dân ổn định nơi ở, sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn đời sống; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ giá cả và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của người dân; tổ chức các buổi triển lãm, hội chợ nông sản giúp người dân tiếp cận với các cơ hội kinh doanh mới và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của mình.

Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi như cống, hồ chứa nước và nạo vét kênh, nhằm cung cấp nguồn nước ngọt ổn định cho người dân sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày; tập trung đầu tư vào các dự án nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao để điều tiết và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn.

Tỉnh Hậu Giang cũng đã tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người dân trong việc khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn; triển khai các chương trình hỗ trợ vốn và cung cấp các giải pháp, công nghệ mới để giúp người dân ổn định sản xuất, ứng phó với thiên tai đảm bảo thu nhập gia đình; đồng thời triển khai đầu tư xây dựng các khu tái định cư để di dời những hộ gia đình sống trong khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi ở an toàn; mở các lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân nhất là những hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.

a33-thien-tai-hg.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều giải pháp giúp người dân ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, ổn định sản xuất nông nghiệp.

PV: Hiện nay là thời điểm thường diễn ra nhiều loại thiên tai, vậy để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên:

Tỉnh Hậu Giang đang chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do các loại thiên tai gây ra đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cụ thể, hiện nay các ngành chức năng của tỉnh luôn theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo của cơ quan chuyên môn để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về những thiệt hại do thiên tai gây ra để chủ động áp dụng các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng có nguy ảnh hưởng do sạt lở, triều cường, mưa lớn để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra.

bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng chủ động bố trí kinh phí, lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra do thiên tai; tổ chức gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; chủ động thu hoạch lúa, hoa màu; hỗ trợ kinh phí và giống cây cho người dân tái canh tác sau thiên tai.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu tái định cư để di dời những hộ gia đình sống trong khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn; triển khai chương trình hỗ trợ vốn và cung cấp các giải pháp, công nghệ mới để giúp người dân ổn định sản xuất, ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả và giúp người dân ổn định nơi ở, yên tâm sản xuất, đảm bảo đời sống, tỉnh Hậu Giang cũng mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hậu Giang để tiếp tục xây dựng và nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai như đê bao, hệ thống thoát nước, công trình chống sạt lở bờ sông

Đồng thời, kiểm tra và đánh giá lại quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị và nông thôn để giúp các đô thị và vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang đảm bảo an toàn trước các loại thiên tai; đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm giúp tỉnh Hậu Giang nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi sau thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                    Lê Hùng (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang chủ động phòng, chống thiên tai hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO