(TN&MT) - Ngày 28/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lần thứ hai gửi Bộ Công Thương đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết việc thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch vì dừng dự án cảng Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.
Khu du lịch Đồi Phong Lan hoang phế hơn 10 năm |
Chính phủ nhắc hai lần, vẫn không “nhúc nhích”
Văn bản số 2926/VPCP-ĐMDN ngày 28/3/2017 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Ngày 09 tháng 3 năm 2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2156/VPCP-ĐMDN chuyển kiến nghị của các doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận gửi Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc giải quyết bồi thường hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp đến Bộ Công Thương để xem xét, xử lý và trả lời các doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch tại thôn Kê Gà theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2017. Tuy nhiên, đến nay Quý cơ quan vẫn chưa có văn bản trả lời doanh nghiệp…”.
Từ đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, xử lý và trả lời các doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch tại thôn Kê gà theo thẩm quyền…
Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin: Trước đó, tại Văn bản số 1981/VPCP-V.I ngày 6/3/2017, Văn phòng Chính phủ cho biết: Công ty TNHH Vạn Trụ và một số doanh nghiệp du lịch gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho 12 doanh nghiệp du lịch sau khi dừng dự án cảng Kê Gà. Văn phòng Chính phủ chuyển đơn kiến nghị của các doanh nghiệp du lịch đến UBND tỉnh Bình Thuận để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngay sau đó, ngày 9/3/2017 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký Văn bản số 2156/VPCP-ĐMDN, gửi Bộ Công Thương nêu rõ: Văn phòng Chính phủ chuyển đơn kiến nghị của các doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận gửi Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc giải quyết bồi thường hỗ trợ thiệt hại, để Bộ Công Thương xem xét, xử lý và trả lời các doanh nghiệp theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 25/3/2017.
Thảm cảnh Khu du lịch Thế Giới Xanh |
Bộ Công Thương đề nghị TKV ứng trước kinh phí trả đền bù
Được biết, sau khi nhận được yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, ngày 22/3/2017, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2347/BCT-CNNg gửi Công ty TNHH Vạn Trụ, Công ty TNHH Thạnh Đạt, Công ty TNHH Đồi Phong Lan, Công ty TNHH Thế Giới Xanh, Công ty Cổ phần Du lịch phương Bắc...
Công văn số 2347 của Bộ Công Thương nêu rõ: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà với sự tham gia của đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh vướng mắc, tại Văn bản số 2120/UBND-ĐTQH ngày 16 tháng 6 năm 2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hỗ trợ thêm các khoản chi phí ngoài các quy định của pháp luật hiện hành để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án hỗ trợ và trách nhiệm chi trả bồi thường, hỗ trợ theo đề xuất của Bộ Công Thương (Văn bản số 9713/VPCP-KTN ngày 20 tháng 11 năm 2015), đồng thời giao Bộ Công Thương hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận và TKV thực hiện. Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận và TKV thực hiện tại Văn bản số 11133/BCT-CNNg ngày 19 tháng 10 năm 2015. Trong quá trình triển khai các bên liên quan chưa thật sự quyết liệt trong quá trình xử lý giải quyết dứt điểm các tồn tại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương nên diễn biến sự việc kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp du lịch trong phạm vi quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà và ảnh hưởng không tốt đến dư luận”.
Từ đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Trong Thông báo Kết luận số 69/TB-BCT ngày 15/3/2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo TKV khẩn trương tổ chức Tổ công tác làm việc cụ thể với UBND tỉnh Bình Thuận, Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà và các doanh nghiệp để thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy định của pháp luật hiện hành”.
Bộ Công Thương cũng đồng thời chỉ đạo TKV phải ứng trước một phần kinh phí để chi trả cho các doanh nghiệp liên quan trong tháng 3 năm 2017, báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2017.
Khu du lịch Vạn Trụ hiện đang thiếu tiền đầu tư hoàn thiện |
Nguy cơ phá sản cận kề
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Chí Công – Giám đốc Công ty TNHH Vạn Trụ cho biết: “Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn chưa có bất cứ một thông tin nào của TKV để thống nhất về phương án và kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Vạn Trụ. Trong khi đó, tổng số tiền thiệt hại của Công ty Vạn Trụ đã vượt qua con số gần 22 tỷ đồng (tính đến thời điểm hết tháng 12/2015). Do bị thu hồi đất, nên Công ty Vạn Trụ đã phải dừng đầu tư khu du lịch mặc dù đã xây dựng gần xong. Do không có nguồn thu, Công ty Vạn Trụ đã phải đi vay ngân hàng để duy trì bảo dưỡng khu du lịch tránh bị xuống cấp, hư hỏng. Đến nay, Công ty Vạn Trụ là doanh nghiệp duy nhất trong 12 doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại đã xây dựng, sửa chữa lại khu resort để có thể khai trương hoạt động một phần vào dịp Lễ 30/4 và 1/5 sắp tới".
Ông Vũ Chí Công nói: “Để gắng gượng được như vậy, Công ty Vạn Trụ đã phải vay ngân hàng 9 tỷ đồng từ tháng 5/2016, mỗi quý phải trả lãi 231 triệu đồng…Do thời gian bị dừng quá lâu, hư hỏng phát sinh ngoài dự kiến quá nhiều nên số tiền vay trên không đủ, chúng tôi phải vay thêm bên ngoài mà vẫn chưa đủ. Số phòng của khách sạn dự kiến là 50 phòng. Hiện tại, để cố gắng đưa vào hoạt động dịp Lê 30/4 và 1/5, Công ty Vạn Trụ chỉ có đủ trang thiết bị cho 9 phòng. Số còn lại phải có nguồn tiền vay thêm mới hoạt động được. Nguồn tài chính đã cạn kiệt và đến tháng 8/2017 tới chúng tôi sẽ phải trả tiền gốc cho ngân hàng mỗi quý là 375 triệu đồng, như vậy nếu cộng cả tiền lãi mỗi quý sẽ là khoảng 600 triệu đồng. Mỗi năm phải có nguồn tiền là 2,4 tỷ để trả cho ngân hàng. Nếu TKV không khẩn trương bồi thường, hỗ trợ kịp thời và một lần cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ có nguy cơ phá sản”.
Ông Vũ Chí Công cho biết thêm: “Số tiền thiệt hại gần 22 tỷ đồng mà Công ty Vạn Trụ đề xuất mới là tính đến thời điểm hết năm 2015. Nay, TKV để đến tận tháng 4/2017 vẫn chưa giải quyết nên chúng tôi đề nghị TKV phải tính thêm chi phí và lãi vay ngân hàng phát sinh cho doanh nghiệp đến thời điểm được bồi thường, vì nếu được bồi thường sớm hơn thì chúng tôi đã không phải vay ngân hàng”.
Còn chủ một doanh nghiệp khác thì chua xót nói: “Nếu như ngay từ lúc đầu TKV nghiên cứu kỹ dự án cảng Kê Gà không có hiệu quả kinh tế và không phê duyệt dự án cảng Kê Gà thì UBND tỉnh Bình Thuận đã không thu hồi đất của 12 dự án du lịch đã và đang hoạt động, thì các doanh nghiệp chúng tôi chắc chắn vẫn hoạt động bình thường và hiệu quả trong suốt chục năm qua, đâu có thảm cảnh như ngày hôm nay”.
Được biết, trong một văn bản mới đây nhất gửi Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã đề nghị Bộ Công Thương cho phép địa phương tính toán lại kinh phí bồi thường theo đơn giá năm 2017 nếu TKV không trả tiền cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại trong năm 2016.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Bài & ảnh: Việt Đức