Hậu cảng Kê Gà: Nhà đầu tư du lịch mòn mỏi chờ đền bù

10/02/2017 00:00

(TN&MT) - Hơn 10 năm bỏ ra hàng ngàn lượng vàng và hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng các resort với tâm huyết biến vùng biển Kê Gà trở thành thiên đường nghỉ...

 

(TN&MT) - Đầu những năm 2000 nhiều nhà đầu tư theo lời mời gọi của UBND tỉnh Bình Thuận đã bỏ ra hàng ngàn lượng vàng, hàng trăm tỷ đồng cùng biết bao tâm huyết, công sức vào xây dựng các khu resort ở vùng ven biển Tân Thành - Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một quần thể nghỉ dưỡng cao cấp thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, họ đã chìm trong cảnh “sống dở, chết dở” mà nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục phản ánh.

Khu du lịch Vạn Trụ đã gắng gượng hơn 10 năm qua để tồn tại cho đến ngày hôm nay
Khu du lịch Vạn Trụ đã gắng gượng hơn 10 năm qua để tồn tại cho đến ngày hôm nay

 

Dù còn nhiều dang dở, nhưng chủ đầu tư vẫn cố gắng với mong muốn Khu du lịch Vạn Trụ sẽ khai trương giai đoạn 1 vào tháng 3/2017
Dù còn nhiều dang dở, nhưng chủ đầu tư vẫn cố gắng với mong muốn Khu du lịch Vạn Trụ sẽ khai trương giai đoạn 1 vào tháng 3/2017

 

Không dừng bước, ông chủ khu du lịch Vạn Trụ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng một quẩn thể du lịch văn hoá sinh thái biển
Không dừng bước, ông chủ khu du lịch Vạn Trụ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng một quẩn thể du lịch văn hoá sinh thái biển

Dài cổ chờ đền bù, hỗ trợ

Mới đây nhất, ngày 8/2/2017, Chủ đầu tư 12 dự án khu du lịch tại khu vực Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết họ sẽ tiếp tục gửi văn bản lên UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường thiệt hại từ khi chính quyền tỉnh có chủ trương thu hồi đất dự án để nhường đất xây dựng cảng nước sâu Kê Gà từ năm 2007 đến nay.

Ông Vũ Chí Công, chủ đầu tư dự án khu du lịch Đức Hạnh (nay đổi tên thành khu du lịch Vạn Trụ), cho biết dựa vào những hạng mục mà ông đã rót tiền đầu tư cho khu du lịch Vạn Trụ trước đây nhưng sau đó buộc phải dừng lại do chủ trương xây dựng cảng Kê Gà, phần thiệt hại ông phải gánh lên đến trên 20 tỉ đồng.

Ông Công cho biết sau khi TKV ngưng triển khai dự án cảng nước sâu Kê Gà vào năm 2013, ông thở phào nhẹ nhõm vì không phải di dời, nhường đất cho việc xây dựng cảng, nhưng lại bắt đầu nỗi lo vì thiếu vốn để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh dự án. Để có vốn đầu tư hoàn chỉnh khu du lịch Vạn Trụ, ông Công đã vay ngân hàng và phải chịu trả lãi hàng tháng hàng chục triệu đồng.

“Dù từ năm 2014 chính quyền tỉnh Bình Thuận sau khi làm việc với nhà đầu tư hứa sẽ thực hiện việc thống kê thiệt hại để bồi thường để nhà đầu tư không quá thiệt thòi. Chúng tôi đề nghị mức bồi thường 21 tỉ đồng nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ bồi thường”, ông Công nói. Sau 10 năm đeo đuổi dự án, ông cho biết khu du lịch Vạn Trụ chuẩn bị đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 3 tới.

Khu du lịch Đồi Phong Lan hơn 10 năm bỏ hoang hoá
Khu du lịch Đồi Phong Lan hơn 10 năm bỏ hoang hoá

 

Cả một quần thể khu du lịch Đồi Phong Lan bỏ hoang 10 năm gây thiệt hại nặng cho chủ đầu tư
Cả một quần thể khu du lịch Đồi Phong Lan bỏ hoang 10 năm gây thiệt hại nặng cho chủ đầu tư

 

Khu du lịch Đồi Phong Lan bao giờ mới hồi sinh?
Khu du lịch Đồi Phong Lan bao giờ mới hồi sinh?

Còn ông Nguyễn Trường Vinh, chủ đầu tư dự án khu du lịch Đồi Phong Lan, sau nhiều lần thương lượng, đến giữa năm 2016 ông và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận thống nhất mức bồi thường thiệt hại cho dự án khu du lịch Đồi Phong Lan với số tiền 36,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy các bên liên quan thực hiện việc chi trả bồi thường.

Ông Nguyễn Trường Vinh nói: “Các nhà đầu tư du lịch như chúng tôi bị thiệt hại, mất mát quá lớn, trong khi giá trị bồi thường thấp. Một ví dụ dẫn chứng như chúng tôi đề nghị được hỗ trợ lãi suất tiền vay nhưng chỉ được chấp nhận mức hỗ trợ lãi suất tiền gửi, tuy nhiên chúng tôi cũng đồng ý. Trong quá trình thương lượng, chúng tôi luôn giữ thái độ ôn hoà, dễ chịu với mong muốn quyền lợi chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp nhanh chóng được giải quyết”.

Cảnh hoang tàn của Khu du lịch Thế Giới Xanh
Cảnh hoang tàn của Khu du lịch Thế Giới Xanh

 

Đau xót vì nhà đầu tư đã bị mất trắng như thế này
Đau xót vì nhà đầu tư Khu du lịch Thế Giới Xanh đã bị mất trắng như thế này

 

Ông chủ của Khu du lịch Thế Giới Xanh giờ đã mất, những người con trai của ông tiếp quản
Ông chủ của Khu du lịch Thế Giới Xanh giờ đã mất, những người con trai của ông tiếp quản "cơ ngơi" của cha mình để lại

 

 

 

Khu du lịch Thế Giới Xanh đã hoạt động được 3 năm từ 2004 đến 2007, hiện giờ chỉ còn lại như thế này
Khu du lịch Thế Giới Xanh đã hoạt động được 3 năm từ 2004 đến 2007 thì bị cấm hoạt động do vướng cảng Kê Gà, hiện giờ chỉ còn lại như thế này

 

Biết đến bao giờ Khu du lịch Thế Giới Xanh mới được đền bù để hồi sinh?
Biết đến bao giờ Khu du lịch Thế Giới Xanh mới được đền bù để hồi sinh?

Cách dự án khu du lịch Vạn Trụ không xa là dự án khu du lịch Thế Giới Xanh cũng nằm trong số các dự án bị thiệt hại nặng do đang hoạt động đón khách thì bị ngưng lại từ năm 2007 đến nay. Chủ đầu tư dự án ban đầu yêu cầu được bồi thường khoảng 90 tỉ đồng để tái đầu tư dự án, nhưng sau nhiều lần thỏa thuận chủ đầu tư và cơ quan chức năng Bình Thuận thống nhất mức bồi thường là 36,8 tỉ đồng.

“Nhìn cảnh hoang tàn của khu du lịch mình dốc cả gia sản đầu tư mà thấy chua xót. Nay chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương và đơn vị liên quan sớm chi trả tiền bồi thường để chúng tôi tiếp tục đầu tư đưa dự án hoạt động trở lại”, ông Nguyễn Đức Đăng Toàn, chủ đầu tư dự án khu du lịch Thế Giới Xanh cho biết.

Được biết, khu du lịch Thế Giới Xanh do ông Nguyễn Đức Hiếu – Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty THHH Du lịch Thế Giới Xanh (nay ông Hiếu đã mất) bỏ ra gần 3.000 lượng vàng (thời điểm năm 2000-2001) đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 2,4 ha tiêu chuẩn 2 sao, khánh thành và hoạt động ổn định từ năm 2004 đến năm 2007 thì bị lệnh dừng và cấm hoạt động.

Cảnh hoang phế của Khu du lịch Thành Đạt
Cảnh hoang phế của Khu du lịch Thành Đạt

 

Khu du lịch Thành Đạt cũng cùng chung số phận hẩm hiu
Khu du lịch Thành Đạt cũng cùng chung số phận hẩm hiu

 

Với ý tưởng đầu tư xây dựng một khu resort tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cuối cùng ông chủ Khu du lịch Thành Đạt đành phải ngậm ngù để cho một nhân viên của mình mở quán ăn
Với ý tưởng lúc đầu là đầu tư xây dựng một khu resort tiêu chuẩn quốc tế bên biển Kê Gà, nhưng cuối cùng ông chủ Khu du lịch Thành Đạt đành phải ngậm ngùi để cho một nhân viên của mình mở quán "cơm bụi" + nhà trọ bình dân đồng thời canh giữ đất cho ông chủ 10 năm qua

Ông Nguyễn Thịnh Phát, chủ Khu du lịch Thành Đạt cho biết: “Tôi đề nghị phải bồi thường 34 tỷ, nhưng chỉ được chấp thuận 4 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với mức bồi thường này và đã có văn bản đề nghị tỉnh cho doanh nghiệp thẩm định lại giá trị đầu tư ban đầu của dự án”.

Trước đó, vào thời điểm tháng 12/2007 chủ đầu tư 12 dự án resort khu vực Kê Gà nhận được thông báo của tỉnh Bình Thuận yêu cầu dừng triển khai xây dựng khu du lịch để thu hồi đất xây dựng cảng. Thời điểm đó, trong số 12 dự án resort thì đã có một dự án đang hoạt động (Thế Giới Xanh), một dự án đang xây dựng được hơn 80% với quy mô lớn (Vạn Trụ) và nhiều dự án khác đang xây dựng dở dang như Tân Thành Minh, Sao Mai, Thành Đạt, Minh Ngọc, Hương Bắc, Đồi Phong Lan, Thảo My….

Tuy nhiên, đến năm 2013, TKV chính thức tuyên bố tạm ngừng triển khai dự án cảng Kê Gà. Trong một đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Bình Thuận ngay sau đó, chủ đầu tư 12 dự án resort bị thu hồi đất cho dự án cảng tính sơ bộ tổng số tiền thiệt hại thực tế lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Biển Kê Gà rất giảu tiềm năng du lịch chờ khai phá
Biển Kê Gà rất giảu tiềm năng du lịch chờ khai phá

Bao giờ mới được trả tiền bồi thường, hỗ trợ?

Năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, chính sách hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch sau  khi dừng đầu tư cảng Kê Gà.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tháng 11/2015), tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và TKV đề nghị: Tổng các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ không được vượt quá tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện đầu tư dự án cảng Kê Gà theo quy định của pháp luật. Về hỗ trợ chi phí cơ hội đầu tư và hỗ trợ lãi suất tiết kiệm, Bộ Công Thương đề nghị việc hỗ trợ căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận trên tổng mức đầu tư dự án theo Văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận tháng 9/2013. UBND tỉnh Bình Thuận và TKVđánh giá lại giá trị tài sản còn lại của dự án tại thời điểm năm 2015 để làm cơ sở tính toán mức đền bù, hỗ trợ. Bộ Công Thương cho rằng: Hỗ trợ chi phí cơ hội đầu tư tính từ năm 2007 trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận trên tổng mức đầu tư dự án với mức tương đương theo lãi suất của Ngân hàng BIDV công bố theo giá trị vốn đã đầu tư (tính theo nguyên giá của Nhà nước quy định năm 2015).

Du lịch phát triển sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân bản địa
Du lịch phát triển sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân bản địa

Đến tháng 12/2016, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các dự án du lịch do dừng đầu tư cảng Kê Gà. Trong Văn bản này, UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng, đánh giá, xác định giá trị tài sản của các dự án du lịch theo giá quy về thời điểm năm 2015, ngày 21/9/2015 UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi cho TKV đề nghị thống nhất bồi thường 9 dự án với số tiền 85.720.852.443 đồng.

Ngày 28/10/2015, TKV làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để nghe trình bày về số tiền bồi thường trên, tuy nhiên đến nay TKV vẫn chưa có ý kiến thống nhất với phương án mà tỉnh Bình Thuận đề nghị. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV sớm có ý kiến về phương án mà tỉnh Bình Thuận đưa ra, báo cáo Bộ Công Thương xem xét để chi trả tiền cho các chủ dự án du lịch.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý số tiền nếu TKV trả trong năm 2016 là trên 85,7 tỉ đồng, còn các doanh nghiệp đã đề nghị trường hợp không thanh toán trong năm 2016 thì phải tính toán lại giá tại thời điểm năm 2017. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương cho phép địa phương tính toán lại kinh phí bồi thường theo đơn giá 2017 nếu TKV chưa chịu trả tiền trong năm 2016. 

Người dân địa phương sẽ được hưởng lợi nếu du lịch phát triển mạnh mẽ - Trong ảnh là những thanh niên địa phương chuẩn bị lặn thủ công bắt tôm hùm giống
Người dân địa phương sẽ được hưởng lợi nếu du lịch biển phát triển mạnh mẽ - Trong ảnh là những thanh niên địa phương chuẩn bị lặn thủ công bắt tôm hùm giống trên biển Kê Gà

Trao đổi với PV, một vị  cán bộ Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận cho biết UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt mức bồi thường các dự án đã được chủ đầu tư thống nhất để yêu cầu TKV sớm tiến hành chi trả bồi thường, dự án nào chủ đầu tư chưa thống nhất mức bồi thường sẽ tiếp tục được giải quyết sau.

Cũng cần nhắc lại, tháng 2/2014 Văn phòng Chính phủ có công văn về việc dừng đầu tư cảng Kê Gà, trong đó có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với TKV thực hiện đánh giá bồi thường thiệt hại cho các dự án bị thu hồi đất phục vụ dự án cảng Kê Gà và chi trả bồi thường theo quy định.

Sau đó, TKV đã tính toán đưa ra tổng giá trị bồi thường cho các dự án thiệt hại khoảng 54 tỉ đồng, còn UBND tỉnh Bình Thuận tính toán là 83 tỉ đồng (chủ yếu là hỗ trợ chi phí cơ hội đầu tư và hỗ trợ tiền lãi suất tiết kiệm theo lãi suất bình quân từ 2007 đến 2014). Cho đến nay, TKV vẫn chưa chi trả tiền bồi thường cho các chủ đầu tư bị thiệt hại.

Năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng cảng biển.

Tháng 4/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống và chủ đầu tư là TKV. Kinh phí đầu tư xây dựng cảng ban đầu được thông báo là 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên 1 tỉ USD.

Dự án cảng Kê Gà có chiều dài 2,3km bờ biển với tổng diện tích 366ha.

Trước tình thế này, 12 nhà đầu tư du lịch bị buộc phải nhường đất của mình cho một dự án lớn hơn của quốc gia và tất cả đều mong mỏi tiền bạc đầu tư của họ bỏ vào làm các khu resort cũng phải được bồi hoàn thỏa đáng.

Theo kế hoạch, cảng Kê Gà được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn không khởi công.

Mãi đến ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến tỉnh Bình Thuận làm việc và khẳng định dự án cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.

Bài & ảnh: Việt Đức – Hoàng Hưng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu cảng Kê Gà: Nhà đầu tư du lịch mòn mỏi chờ đền bù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO