Hào khí Việt Nam

29/04/2015 00:00

(TN&MT) - Vậy là đã 40 năm đi qua. Ngoảnh nhìn lại, đất nước trọn 40 năm hoàn toàn thống nhất. 

 

40 năm - ấy là cả một quãng thời gian dài để chúng ta dựng xây, hàn gắn những đau thương mà chiến tranh để lại. Không dễ gì đo đếm hết những khó khăn, những thành tựu bứt phá mà chúng ta đã vượt lên để đưa cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Bước phát triển ấy ghi dấu trên từng thang bậc thời gian.

Còn hôm nay, cả dân tộc đang xốc lại mình vươn tới với tầm thế mới. Hơn 90 triệu đồng bào với 64 dân tộc anh em cùng đồng lòng trong một khối thống nhất với mong muốn đưa đất nước ngày một đi lên phồn thịnh.

Giữa những ngày tháng 4 này, ai rong ruổi vào Nam, ra Bắc; ai xuôi Đất Mũi, ai lênh đênh sóng nước để bảo vệ bờ cõi nơi đảo xa bão tố, hẳn sẽ không thể quên hướng về đỉnh Nghĩa Lĩnh - về cội nguồn đất nước. Đây chín mươi chín ngọn núi của Phong Châu triệu tuổi, chỉ một ngọn Nghĩa Lĩnh có lăng mộ vua Hùng. Đất Tổ là đây! Cả dân tộc cùng hướng về nguồn cội.

Trong nắng sớm còn ngập tràn muôn nẻo, dù đến Đồng Đăng, Pắc Pó, chạm chân cột cờ Lũng Cú… thì muôn triệu con tim vẫn cùng thành kính thắp nén nhang thơm tưởng nhớ Người mở cõi để trên muôn vạn nẻo đường đất nước, chẳng sóng cả bão tố nào cản được bước ta đi.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bao phen đất nước chông chênh bên bờ sóng, bao phen vất vả xoay xở với cơn “sóng thần” lạm phát, nhưng rồi chúng ta đã vượt qua tất cả. Một Việt Nam hôm nay như con thuyền vừa bỡ ngỡ rời cửa sông vẫn vững lái ra biển cả.

40 năm sau ngày thống nhất đất nước, bao cơ hội đã bỏ lỡ, thì hôm nay đây, cơ hội mới để khẳng định vị thế Việt Nam chúng ta không thể để vuột mất. Bạn bè thế giới đang nhìn chúng ta với sự thiện cảm và ngưỡng mộ. Đánh giá "Vài nét về Việt Nam" trên website của LHQ đã tổng kết những thành công của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong suốt 40 năm qua. LHQ cho rằng, các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong hai giai đoạn 1991 - 2000 và 2001 - 2010 đã giúp Việt Nam vươn mình từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một nền kinh tế dựa trên thị trường và phát triển nhanh chóng, ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng khu vực và toàn cầu.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011 - 2020 hướng tới thiết lập một nền tảng cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2020. LHQ ghi nhận, những chiến lược và nỗ lực của Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng.

Ngân hàng thế giới (WB) cũng  đánh cao công cuộc Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng gần 30 năm, với thu nhập đầu người lên tới 1.960 USD năm 2013.

ADB nhìn nhận, Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990 và đạt thu nhập trung bình vào năm 2010. Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2015 mới công bố của ADB nhấn mạnh, trong ngắn hạn Việt Nam cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng, vạch chiến lược rõ ràng để giải quyết nợ xấu, tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này.

Hãng tin Bloomberg, dẫn báo cáo “Thế giới năm 2050” của Hãng Kiểm toán Pricewaterhouse Coopers LLP (PwC), trong đó cho rằng, Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2014 -2050. Bloomberg đã chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu của sự bứt phá: Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước dẫn đầu trong ASEAN về xuất khẩu sang Mỹ.

“Việt Nam, một ngôi sao Châu Á đang lên” - ấy là nhận định mà bạn bè quốc tế đánh giá về ta. Vượt qua giông bão của khủng hoảng, chúng ta đã chạm đích kế hoạch với con số trên 6% - một mơ ước của nhiều nền kinh tế. Con số ấy là đáng tự hào. Song ta chẳng thể tự mãn mà đánh mất mình. Sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chỉ mới vượt qua ngưỡng một nước nghèo. Nền kinh tế đang đứng trước bẫy thu nhập trung bình.

Bạn bè nhìn ta, ta tự soi mình. Ta nhìn xa hơn cho ước vọng mai sau một Việt Nam với tầm thế mới trên trường quốc tế. Ta nhìn bao quát hơn để thấy mình đang ở đâu trên bản đồ tăng trưởng của thế giới?! Chúng ta cũng hiểu rõ rằng, một nền kinh tế phát triển không thể giữ được dài lâu nếu không phát triển trong sự ổn định, theo hướng bền vững. Không thể có sự hưng thịnh trong sự thiếu ổn định – môi trường bị huỷ hoại. Mọi sự giàu có, tiền bạc, của cải đều sẽ vô nghĩa nếu thiên nhiên bị huỷ hoại, môi trường ô nhiễm. Chẳng ai có thể mãi ngồi ôm đống của cải trong nhà kính khi bên ngoài đầy giông tố, độc khí. Thay đổi lối sống ích kỷ và vô trách nhiệm với thiên nhiên là mệnh lệnh mà cuộc sống yêu cầu.

Những suy tính như thế là để thấy còn bao việc phải làm, bao suy ngẫm, trăn trở đang hối thúc chúng ta làm việc, tăng tốc để sánh vai cùng bè bạn năm châu. Ước mong vươn lên thoát nghèo để xây dựng đất nước giầu mạnh luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam. Nhưng làm sao để khai mở ý chí ấy lại là điều không dễ. Phải tạo một sự đồng lòng trong hơn 90 triệu người dân Việt.

Mỗi năm chúng ta có trên 31,104 tỷ giây. Mỗi giây là một khoảnh khắc. Và trong từng đó khoảnh khắc, nếu bỏ qua một tích tắc có nghĩa là chúng ta bỏ qua một cơ hội để vượt lên.

Bao giờ cũng vậy, ở những thời khắc lịch sử trọng đại nhất của dân tộc, ta lại lắng lòng mình nhớ một thời kỳ gian khó, vinh hiển đã qua; suy ngẫm về những ngày sắp tới và cả tương lai đang chờ đón. Bao cảm xúc trào dâng mãnh liệt, bao dự cảm tốt lành như âm vang trong lồng ngực. Để một mai trỗi dậy, hào sảng hoà nhịp bước tiến lên với khí thế của những Mùa xuân Đại thắng, những mùa xuân phới phới sức trẻ trong phần phật cờ Tổ quốc tung bay trước gió.

Ngọc Lý

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hào khí Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO