Hành trình vì tương lai tái sinh
(TN&MT) - Hàng nghìn hộ nông dân ở Đắk Lắk trồng cà phê áp dụng phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, đem lại năng suất cao.
Hàng nghìn hộ nông dân ở Đắk Lắk trồng cà phê áp dụng phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, đem lại năng suất cao.
1. Những ngày cuối năm, từ Hà Nội chúng tôi đến thăm những rẫy cà phê xanh mướt bạt ngàn của các hộ nông dân ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Anh Y Tý Byă (sinh năm 1968, dân tộc Êđê) ở buôn Pu Hue, xã Ea Ktur là 1 trong những nông hộ trồng cà phê bền vững theo Chương trình NESCAFÉ Plan do Công ty TNHH Nestlé Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của mình, anh Y Tý Byă phấn khởi nói: "Chuyển sang làm nông nghiệp tái sinh, hiệu quả đem lại rất lớn".
Anh Y Tý hiện đang canh tác 1,7ha diện tích cà phê (tái canh 800 cây) trồng xen với 500 gốc tiêu. Mô hình cà phê trồng xen tiêu với mật độ 3 hàng cà phê xen 2 băng hồ tiêu.
Vụ thu hoạch năm vừa rồi, anh Y Tý thu được 4,2 tấn cà phê và 2,5 tấn tiêu, trong đó lợi nhuận thu được từ niên vụ 2022 - 2023 tăng 200% so với niên vụ 2019 - 2022. Nhờ trồng tiêu, cà phê mà gia đình anh Y Tý có "của ăn của để" và là một trong những hộ giàu có ở xã Ea Ktur. Anh Y Tý kể, trước đây, anh cũng như nhiều nông dân khác ở Ea Ktur trồng cà phê theo kiểu truyền thống và hay lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học khiến đất đai bạc màu, cây trồng dễ nhiễm bệnh tật rồi chết. Anh Y Tý chán nản vì dốc bao công sức, tiền bạc vào rẫy cà phê mà năm được, năm mất, thu nhập chẳng đáng là bao.
Anh Y Tý biết đến Chương trình qua một người bà con giới thiệu. Năm 2014, khi tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan, anh được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật để trồng cà phê bền vững và mua giống cà phê mới về tái canh.
"Thời điểm còn canh tác cà phê theo phương pháp truyền thống, chúng tôi sử dụng rất nhiều phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ. Cứ thấy cây trồng kém xanh tốt một tí là bón phân, thấy cỏ là xịt thuốc diệt cỏ. Khi chuyển sang làm ''nông nghiệp tái sinh'', chúng tôi có kiến thức về làm thảm cỏ sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nữa mà để cỏ mọc tốt rồi cắt cỏ. Những cành cây, lá cây khô trước đây thường gom lại mang về đốt bỏ thì nay được rải ngay tại vườn để ngăn cỏ mọc và khi mục nát sẽ tạo ra chất mùn giúp đất tươi tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi còn biết làm phân vi sinh từ vỏ và bã cà phê. Trồng cà phê theo cách này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, cây trồng khỏe mạnh, tăng năng suất, thu nhập. Đặc biệt, trong tình hình giá phân bón tăng gấp đôi như hiện nay, mô hình nông nghiệp tái sinh giúp nông dân giảm chi phí rất nhiều".
Ông Hoàng Văn Son - nông dân trồng 1,3ha cà phê ở xã Ea Ktur chia sẻ: "Canh tác theo phương pháp truyền thống, mỗi gốc cà phê, tôi chỉ thu được khoảng 2kg hạt một mùa thì nay áp dụng phương pháp mới, sản lượng tăng lên từ 3 - 4kg. Kết hợp trồng cà phê xen canh hồ tiêu, thu nhập của gia đình lên tới 190 triệu/ha sau khi trừ hết chi phí, hiệu quả kinh tế gấp đôi so với cách trồng cũ. Trước kia, năm nào có được mùa cũng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng/ha".
2. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố Cam kết Phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.
Ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam cho biết: "Nestlé tập trung vào các nhóm giải pháp nhằm giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng".
Một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang làm đó là hỗ trợ nông dân chuyển dịch sang mô hình nông nghiệp tái sinh. Nông nghiệp tái sinh là cách tiếp cận hướng đến mục tiêu giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học, cải tạo chất lượng đất giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật. Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan.
Cũng theo ông Hưng, người nông dân chính là trung tâm của mô hình. Họ chính là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình.
Ông Khuất Quang Hưng chia sẻ thêm: "Trên thế giới, tập đoàn Nestlé hiện có hơn 700 chuyên gia và hơn 5.500 nhân viên tham gia hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống thực phẩm tái sinh. Tập đoàn Nestlé cũng đang hợp tác chặt chẽ với hơn 500.000 nông dân để cùng thực hiện các sáng kiến nông nghiệp tái sinh. Với Nestlé, đẩy mạnh thực hiện mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong các nỗ lực quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé tập trung vào việc phục hồi đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất trồng, bảo tồn nguồn nước, kết hợp các phương pháp trồng xen canh đa dạng và tích hợp với chăn nuôi, và tạo cảnh quan bền vững".
Vào ngày 20/6/2023, Nestlé Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố Bản ghi nhớ (MOU), khởi động dự án "Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp" tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây đến năm 2027. Dự kiến khoảng 480.000 tấn CO2 sẽ được hấp thu và lưu trữ thông qua dự án này.
3. Chia sẻ về hành trình hơn 12 năm tận tâm của NESCAFÉ Plan, ông Khuất Quang Hưng cho hay, thời gian đầu, Công ty cũng gặp không ít khó khăn. Để thay đổi phương thức canh tác của hàng trăm nghìn nông dân là điều không dễ dàng, điều quan trọng là chứng minh được những giải pháp mới sẽ giúp hệ thống canh tác của người nông dân hiệu quả hơn. Sau một thời gian triển khai, thông qua các kết quả tích cực, người nông dân đã ngày càng tin tưởng và thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch từ các tập quán cũ sang áp dụng kĩ thuật canh tác cà phê bền vững, mang đến những tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê trong nước, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Việt trên thương trường thế giới.
Đến nay, dự án đã thực hiện tập huấn về canh tác cà phê bền vững cho hơn 330.000 lượt nông dân. Nestlé hỗ trợ hơn 73.5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao. Từ đó, 73.5 ngàn ha diện tích cà phê già cỗi được tái canh, 21.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C. Đồng thời, Nestlé cũng hỗ trợ cây giống cho trung bình trên 10.000 hộ nông dân mỗi năm (2011 - 2023).
Từ khi triển khai chương trình, việc lãng phí nước và lạm dụng phân hóa học làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hạt cà phê cũng được cải thiện. Nhờ áp dụng các phương pháp tiến bộ, Chương trình cũng giúp người nông dân tiết kiệm 40 - 60% nước tưới, tương ứng với tiết kiệm lượng nước uống cho 1 triệu người/năm và giảm 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu. Có đến 90% nông dân sử dụng phương pháp cây che phủ tự nhiên giúp tăng hiệu quả sử dụng đất và cải thiện tính đa dạng sinh học (trên tổng số vườn được khảo sát). Ngoài ra, tất cả cà phê được cung ứng từ Việt Nam đạt các tiêu chuẩn 4C để chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 29 thị trường trên toàn thế giới.
Chương trình còn hỗ trợ nông dân áp dụng số hóa trong quản lý trang trại và canh tác cà phê bền vững. Qua phần mềm ứng dụng, như công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book - FFB) dựa trên công nghệ số, nông dân có thể quản lý một cách hiệu quả các yếu tố đầu vào như nước, phân bón..., góp phần giảm phát thải trên mỗi kg cà phê thu hoạch.
Trong suốt hơn 12 năm triển khai chương trình NESCAFÉ Plan, các cán bộ nông nghiệp của Nestlé Việt Nam đã gắn kết chặt chẽ với người nông dân, viện nghiên cứu và các viện khoa học, để hỗ trợ, định hướng nông dân thay đổi tập quán canh tác thông qua các hoạt động tập huấn, xây dựng vườn mẫu, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng kiến thức trồng trọt mới vào thực tế. Những thành quả mà chương trình NESCAFÉ Plan đã và đang đạt được là động lực để Nestlé tiếp tục phát triển mô hình này, nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước.