"Hành trình tái chế" nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

20/03/2016 00:00

(TN&MT) – Chiều 20/3, sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động “Hành trình tái chế”, mang thông điệp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đến tất cả cộng đồng đã diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do nhóm hoạt động vì môi trường  Green Fingers Việt Nam (GFVN) thực hiện với sự bảo trợ của Chương trình tình nguyện Đông Nam Á và trường Đại học quốc gia Malaysia.

Ở Việt Nam, 90% rác thải không được tái chế mà đi thẳng tới bãi chôn lấp. Nhiều nỗ lực giảm lượng rác thải đã được thực hiện để thúc đẩy thói quen tái chế của người dân. Tuy nhiên, hầu như không có bất kỳ thay đổi thực sự vì mọi người không thấy được lợi ích trực tiếp từ việc tái chế. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ không chỉ bị ảnh hưởng bởi thói quen này mà còn bị hạn chế trong việc tiếp cận với giáo dục môi trường.

"Hành trình tái chế" do nhóm hoạt động vì môi trường Green Fingers Việt Nam (GFVN) thực hiện

Trước thực tế đó, Green Fingers Việt Nam đại diện cho những nỗ lực của một thế hệ trẻ Việt Nam có trách nhiệm nhằm khắc phục những thách thức xã hội một cách sáng tạo và hiệu quả. Trần Thị Diễm Phúc – Trưởng nhóm Green Fingers Việt Nam  cho biết: Với phương châm "Tái chế đơn giản thế!", nhóm kết hợp các hoạt động khác nhau như tạo ra các sản phẩm tái chế từ nhựa theo những cách sáng tạo và thân thiện, chạy các chiến dịch nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường.

Mua cốc cây tái chế đóng góp vào quỹ lớp học tái chế cho các em Tiểu học trên địa bàn Hà Nội
Mua cốc cây tái chế đóng góp vào quỹ lớp học tái chế cho các em Tiểu học trên địa bàn Hà Nội

Trong sự kiện mở màn, “Hành trình tái chế” sẽ giới thiệu, trưng bày một số ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn cách chăm cây, làm đồ tái chế từ rác thải tại nhà; đồng thời tổ chức hoạt động cùng tham gia làm đồ tái chế; trò chơi ném rác vào thùng, trả cốc cây tái chế cho khách hàng đặt cây online; mua cốc cây – quyên góp vì cộng đồng…

Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Cụ thể, dự án đầu tiên nhóm thực hiện là "EduPlant", từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2016, nhóm sẽ tổ chức một loạt các workshop thiết thực về môi trường và tái chế cho các em học sinh tiểu học ở Hà Nội. Đồng thời, hợp tác với các quán cà phê, thu thập cốc nhựa take-away để làm các sản phẩm tái chế. Những chiếc cốc này sẽ được các thành viên trong GFVN tái chế lại thành cốc cây trang trí mang thông điệp bảo vệ môi trường và bán gây quỹ cho các buổi học về môi trường, chiến dịch nâng cao nhận thức và hoạt động từ thiện của Nhóm.

Nhiều bạn nhỏ hào hứng tham gia sự kiện đầu tiên của
Nhiều bạn nhỏ hào hứng tham gia sự kiện đầu tiên của "Hành trình tái chế"

Theo trưởng nhóm GFVN, hoạt động quan trọng nhất và xuyên suốt dự án là đi đến các trường tiểu học thực hiện các lớp học môi trường, dạy cho các em nhỏ về nhiên nhiên, môi trường, tại sao phải bảo vệ môi trường? Đặc biệt, tập trung vào lĩnh vực tái chế rác thải. Qua đó, mong muốn truyền được tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường cho các em nhỏ - thế hệ tương lai của đất nước.

Các thành viên của GFVN dạy cách làm đồ tái chế đơn giản
Các thành viên của GFVN dạy cách làm đồ tái chế đơn giản

“Sắp tới, nhóm sẽ tổ chức các lớp học môi trường ở trường tiểu học Láng Thượng và trường Global School. Ngoài ra nhóm cũng triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng”, trưởng nhóm GFVN cho biết thêm.

Green Fingers Việt Nam tập hợp các bạn trẻ hoạt động về sự bền vững và giáo dục môi trường tại Việt Nam. Bằng cách tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế từ rác thải tái chế, tham gia vào các hoạt động giáo dục về môi trường và phát động chiến dịch nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của mọi người đối với rác thải và có lối sống bền vững hơn.

Chương trình Green Fingers đã diễn ra tại CamPuChia, kết nối 49 bạn trẻ đi tiên phong trong hoạt động môi trường từ 10 quốc gia Đông Nam Á cùng tìm hiểu và chia sẻ về môi trường và hoạt động tình nguyện.


Tin & ảnh:Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hành trình tái chế" nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO