Xã hội

Hành trình hơn một thập kỷ xóa bản "trắng" đảng viên ở Mường Lát - Bài 2: “Hạt giống đỏ” nơi “phên dậu” Tổ quốc

Thanh Tâm 29/06/2023 15:25

Với mục tiêu xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở khu vực miền núi, không còn tình trạng thôn bản không có đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép, Kết luận số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa ra đời. Triển khai thực hiện Kết luận 50 đã góp phần từng bước xóa bản “trắng” đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép, làm tiền đề để người dân nhận thức đúng đắn đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giúp thoát khỏi những hủ tục lạc hậu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…

Hành trình vận động những người dân tộc Mông tin tưởng vào Đảng, bồi dưỡng lý luận để đứng vào hàng ngũ của Đảng là hành trình gian nan với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có hi sinh thầm lặng của những người lính Biên phòng. Những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm bảo vệ biên giới của Tổ quốc, họ sống cùng với đồng bào, trải qua bao gian truân có cả mồ hôi và nước mắt góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, ổn định tình hình tôn giáo – dân tộc để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Khó khăn “bủa vây” Suối Phái

Trung tá Lê Văn Tuyển - Người lính mang quân hàm xanh đã dành 13 năm tuổi nghề sống trọn với đồng bào dân tộc Mông ở bản Suối Phái, từ những ngày đầu thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Thời điểm đó Trung tá Lê Văn Tuyển đang công tác tại Đồn Biên Phòng Pù Nhi được tăng cường về Đồn Biên phòng Tam Chung, giữ chức Phó Bí thư Chi bộ bản Suối Phái, xã Tam Chung. Bản Suối Phái là một trong 26 bản ở Mường Lát trong Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bản Suối Phái với 100% đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về. Người dân tộc Mông được biết tới với nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề tới đời sống văn hóa, tinh thần như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tang ma, cúng bái khi đau ốm, thói quen sử dụng nhiều rượu trong sinh hoạt hàng ngày, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… những hủ tục lạc hậu trên đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức. Năm 2010 bản Suối Phái 100% hộ nghèo, không có đảng viên, mọi việc trong bản đều do trưởng bản quyết định.

Vì vậy, cùng với việc quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định phải xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở khu vực miền núi, từ đó, xây dựng hạt nhân chính trị để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại địa phương, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với vùng miền núi, đồng bào dân tộc.

anh-6.jpg
Trung tá Lê Văn Tuyển đã 13 năm gắn bó với bản Suối Phái, xã Tam Chung

Với tâm niệm góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc ổn định tình hình tôn giáo, dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân giúp giữ vững an ninh biên giới quốc gia, Trung tá Lê Văn Tuyển đã không quản ngại khó khăn, vất vả từng ấy thời gian cùng ăn, cùng ở với bà con đồng bào Mông ở Suối Phái.

Trong câu chuyện của Trung tá Tuyển ánh lên niềm hi vọng về một ngày Suối Phái sẽ thoát nghèo, trẻ em được học hành tới nơi tới chốn, tư duy của người dân tộc Mông sẽ thay đổi, không còn hủ tục, sự ỷ lại trông chờ vào Nhà nước mà sẽ thoát nghèo bằng chính sức của mình.

Kể về thời kỳ đầu khi được tăng cường về Suối Phái mới thấy hết được những gian truân của những người lính nơi biên cương đất nước. Không chỉ bảo vệ, giữ vững mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mà bên cạnh đó còn nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên. Từ đó tạo nên sự dân chủ thống nhất để người đồng bào Mông hiểu được những chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước.

anh-7.jpg
Được hỗ trợ xi măng, Trung tá Tuyển vận động bà con đóng góp tiền, góp công góp sức làm đường bê tông vào từng hộ gia đình.

Thời điểm 2010 khi về nhận nhiệm vụ, bản Suối Phái với nhiều "không": không đường, không điện, không sóng điện thoại... Để vào bản cách duy nhất là đi men theo con đường mòn ven suối, ở trong bản như biệt lập với thế giới bên ngoài. Cả bản chỉ có 5 cháu học cấp 2, không có học sinh cấp 3. Nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tộc Mông ở bản Suối Phái. Để có thể triển khai được nhiệm vụ, Trung tá Tuyển xác định ban đầu phải thích nghi được với nếp sống, phong tục tập quán, sau đó nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân, từ đó mới bồi dưỡng, tạo cho họ niềm tin vào Đảng vào những chủ trương chính sách của Nhà nước

Việc thay đổi tư duy, nhận thức là một vấn đề nan giải vì đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của người dân tộc Mông. Theo Trung tá Tuyển, “đối với đồng bào Mông, mình đừng nói mà hãy làm”.

Lấy mình làm gương

Minh chứng là việc từ khi nhận nhiệm vụ ở bản Suối Phái, Trung tá Tuyển đã đưa vợ lên ở cùng. Trước đây người dân ở đây chủ yếu phát nương, phát rẫy để trồng trọt, sau một hai vụ đất bạc màu lại chuyển đi quả đồi khác. Vợ Trung tá Tuyển là nông dân chính gốc đã hướng dẫn người dân cách gieo mạ, cày bừa, cách cấy và chăm sóc như thế nào. Sau một vài vụ thấy lúa trĩu bông, cho năng suất cao, bà con hạn chế đốt rừng làm nương rẫy mà tập trung vào khai hoang, mở rộng diện tích canh tác trồng lúa nước. Trung tá Tuyển đưa những đảng viên trong bản tiên phong trong việc khai hoang, cải tạo đất phát triển diện tích trồng lúa.

anh-8.jpg
Trẻ em ở Suối Phái đã được tới trường không còn địu trên lưng mẹ lên nương, lên rẫy.

Từ những việc cụ thể ấy, tư duy của đồng bào Mông ở đây dần thay đổi. Họ không còn du canh, du cư mà ổn định chỗ ở, chịu khó canh tác, cải tạo đồi núi, sống theo nếp sống mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 100% xuống còn 59/63 hộ (tương đương với 93,6%), đã có 2 hộ thoát nghèo, 42 người đi lao động ở các công ty trong và ngoài tỉnh, trong bản không còn tình trạng đói ăn. Tám năm trở lại đây trong bản không có người nghiện ma túy

Thời điểm mới về nhận nhiệm vụ tại Suối Phái, tối nào Trung tá Tuyển cũng cùng với các thầy cô giáo ở điểm trường tới từng nhà vận động cho con đi học, giải thích cho họ hiểu được tầm quan trọng của việc cho trẻ tới trường, không thể mù chữ. Tới thời điểm hiện tại trẻ em ở Suối Phái tới tuổi đi học đều được đến trường, có 1 em đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm tỉnh Thanh Hóa; 15 em đang học Trung học phổ thông.

anh-9.jpg
Trẻ em ở Suối Phái đã được tới trường .

Đồng chí Tráng Đỗ Mười là người đầu tiên trong bản hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau khi trở về được Chi bộ đào tạo bồi dưỡng kết nạp Đảng, hiện đang giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản.

Theo Trung tá Lê Văn Tuyển, các đối tượng thù địch phản động thường lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chống phá Nhà nước. Vì vậy việc giải thích cho người dân hiểu được, tránh bị các đối tượng xấu lôi kéo là rất quan trọng. Tiền thân khi ở vùng núi phía Bắc, người dân tộc Mông đa phần đã theo đạo. Vì vậy khi về định cư, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước, khiến người dân mất niềm tin vào Đảng. Vì vậy Trung tá Tuyển đặc biệt quan tâm tới tình hình tôn giáo trong bản, liên hệ thường xuyên với trưởng nhóm đạo, chủ động nắm bắt cơ sở nếu có bất thường sẽ báo cáo cấp trên để có hướng xử lý.

Bản Suối Phái hiện có 23 đảng viên, trong đó có 18 đảng viên là người dân tộc Mông. Trong những năm qua Chi bộ luôn quan tâm công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh chú trọng công tác phát triển chất lượng đảng viên.

anh-10.jpg
Trẻ em ở Suối Phái nô đùa trong giờ ra chơi

Nói về những đóng góp của Trung tá Lê Văn Tuyển, đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, Trưởng ban Chỉ đạo Kết luận 50 huyện Mường Lát, cho biết: Trung tá Tuyển là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc xóa bản "trắng" đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép trên địa bàn huyện Mường Lát. Đơn cử như vùng Tam Chung là địa phương được biết tới là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự những năm trước đây. Vì vậy việc thành lập chi bộ, bồi dưỡng và phát triển đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào. Từ khi được tăng cường giữ chức Phó Bí thư Chi bộ bản Suối Phái, Trung tá Tuyển cùng ăn cùng ở với người dân; từ đó bồi dưỡng tư tưởng, giúp họ hiểu và tin vào Đảng.

Thiếu tá Vi Xuân Thao (Đồn Biên phòng Tam Chung) cũng đã dành 34 năm gắn bó với biên giới của Tổ quốc, cùng ăn cùng ở với đồng bào bản Ón, xã Tam Chung. Thiếu tá Thao cũng là người được tăng cường, là Phó Bí thư Chi bộ bản Ón theo Kết luận 50. Suốt từng ấy năm Thiếu tá Thao dành trọn tâm huyết, nếm trải nhiều gian truân trong những ngày đầu thành lập Chi bộ bản Ón. Việc thành lập được Chi bộ bản Ón là cơ sở thực tiễn để xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú. Trường hợp của anh Giàng A Trống là ví dụ. Cả bản Ón khi ấy chỉ có anh Giàng A Trống đang đi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Đảo Mê và là đảng viên dự bị. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, chi bộ đã tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đảng và trở thành đảng viên chính thức sinh hoạt tại Chi bộ bản Ón.

z4391949142844_cac9465cac447208b4f5ae2285be6217.jpg
Thiếu tá Vi Xuân Thao cùng với Tổ công tác dựng nhà giúp người dân bản Ón

Năm 2012 Anh Giàng A Trống được bầu làm Bí thư Chi bộ. Việc xây dựng được nhân tố điển hình là người địa phương là một bước tiến dài để người dân tộc Mông hiểu và tin vào Đảng. Từ đó phát huy được thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

anh-3.jpg
Một buổi sinh hoạt Chi bộ bản Ón

Sau 2 năm, đến năm 2014, Mường Lát đã cơ bản xóa bản "trắng" đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép. Từ 2014 đến nay đang tập trung nâng cao số lượng và chất lượng đảng viên, đến nay đã có 325 đảng viên. Tuy nhiên ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, Trưởng ban Chỉ đạo Kết luận 50-KL/TU huyện Mường Lát cũng chia sẻ về những tồn tại như dân trí thấp; tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân còn phổ biến; nhiều thôn, bản giao thông đi lại còn rất khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đồng thời trăn trở cần phải tập trung thúc đẩy nâng cao nhận thức của người dân; xây dựng các công trình giao thông đến thôn, bản theo Kết luận 50 để việc đi lại thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, thời gian tới, cần tiếp tục nhân lên những “hạt giống đỏ” tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên; nâng cao chất lượng đảng viên; tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đảng viên, người dân về chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật Nhà nước, về kiến thức phát triển sản xuất. Định hướng phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Muốn bảo vệ biên giới phải xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, dựa vào đảng viên để lan tỏa tới người dân trong đó ổn định an ninh trật tự là điều kiện tiên quyết. Có trải qua mới thấm hết những gian khổ của người lính biên phòng “nơi phên dậu” của Tổ Quốc. Chúng tôi những người lính mang quân hàm xanh cũng chỉ góp một phần nhỏ bé cùng với Nhà nước ổn định tình hình tôn giáo – dân tộc để bảo vệ chủ quyền đất nước - cùng là chia sẻ của Trung tá Lê Văn Tuyển và Thiếu tá Vi Xuân Thao

Bài cuối: Sức sống mới và “bài toán mới”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình hơn một thập kỷ xóa bản "trắng" đảng viên ở Mường Lát - Bài 2: “Hạt giống đỏ” nơi “phên dậu” Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO