Gánh nặng rác thải nhựa
Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí, tới nghìn năm. Chất thải nhựa, ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. Chính vì những tác hại đó mà Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 (Chiến dịch) được Liên Hợp Quốc chú trọng, tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, theo đó khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với ô nhiễm do rác thải nhựa gia tăng. Báo cáo về tình hình rác thải nhựa ở Việt Nam do Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam (Pháp) công bố ngày 4/9 cho thấy, có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm và chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg/người lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có phương án xử lý ổn thỏa. Vì vậy, theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, giải pháp trước mắt, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa; kết hợp với triển khai các hoạt động chống rác thải nhựa từ cơ sở. Việc làm này sẽ giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường như mở rộng hệ thống sản xuất có trách nhiệm, kiềm chế gia tăng nhựa sử dụng một lần, đưa nhựa về nơi tái chế…
Hành động để lan tỏa
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã chọn Chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đó là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Để chủ đề năm nay lan tỏa khắp cả nước, tạo ra những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa ngay bây giờ, ngày 12/9, tại thị xã Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, Bộ TN&MT đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019. Các đại biểu tham dự, cộng đồng và người dân địa phương cùng thu gom, dọn sạch rác tại bờ biển thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng và triển khai nhiều hoạt động chống rác thải nhựa ý nghĩa.
Sau lễ phát động, Bộ TN&MT sẽ yêu cầu các Bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng công tác chỉ đạo và phân loại, thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tổng thể về chính sách, công nghệ, huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn… Chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, giải pháp cụ thể, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, tổ chức lễ phát động, lễ ra quân và các hoạt động thiết thực trực tiếp hoặc góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch năm 2019; tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ môi trường tại các nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.
Đối với 28 tỉnh/thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09/NQ-CP về thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn... Sơ kết đánh giá và đề xuất các giải pháp thiết thực thực hiện phong trào chống rác thải nhựa theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mỗi tỉnh, thành phải lựa chọn, giới thiệu tối thiểu 1 mô hình tiêu biểu về thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn, mô hình hạn chế rác thải nhựa hiệu quả báo cáo về Bộ TN&MT để tổng hợp và xem xét, nhân rộng mô hình.