Hàng trăm nhà khoa học bàn cách cứu chùa Cầu - Hội An

16/08/2016 00:00

(TN&MT) - Do tác động của con người, môi trường cùng thiên tai bão lũ, công trình kiến trúc được ví như biểu tượng của đô thị cổ một thời – chùa Cầu (TP. Hội An) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Để tìm giải pháp “cứu” di sản này, hôm nay 16/8, tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với sự tham gia của 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia đầu ngành tham dự hội thảo trùng tu Chùa Cầu
Các chuyên gia đầu ngành tham dự hội thảo trùng tu Chùa Cầu

Biểu tượng Hội An đang bị công phá

Chùa Cầu thuộc TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến đây. Đây vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần với nhiều hạng mục khác nhau đã góp phần chống xuống cấp cho di tích.

Tuy nhiên, hiện nay hằng ngày Chùa Cầu phải đón lượng khách tham quan trên 4.000 người, cùng với sự tác động của tự nhiên đã làm cho các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo có dấu hiệu hư hỏng, mục rỗng… Cùng với đó, Chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của thành phố Hội An nên tạo ra áp lực mất an toàn ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Toản cùng Th.S Nguyễn Duy Thảo (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), hiện di tích chùa Cầu đang bị công phá ở nhiều vị trí khác nhau. Cụ thể, các mối ghép trên đầu cột A3 bị hở và nứt, chân cột B2 bị mục và xuất hiện nhiều vết nứt. Ngoài ra, hệ giằng cột B2-B3 nứt nẻ với mật độ dày đặc, máng nước và xà đỡ bị mục. Đặc biệt, dầm thép bị hoen gỉ, điểm kê chưa đảm bảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trương Quốc Bình (Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia) cũng chỉ ra 4 nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến Chùa Cầu đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Theo đó, phần mố trụ đỡ di tích đã xuất hiện nhiều vết nứt loang lổ, bong tróc vôi sữa; hằng năm Chùa Cầu hứng chịu triều cường và dòng chảy mạnh do nằm ở vị trí thấp trũng, đặc biệt mưa lũ thường xuyên gây ngập lụt kéo dài. “Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến di sản là tình trạng quá tải lượng khách du lịch qua lại chùa Cầu. Ngoài ra, môi trường nước tại di tích đang bị ô nhiễm do nước thải từ các khu dân cư sầm uất đang ảnh hưởng rất lớn đến công trình có giá trị lịch sử to lớn này”- ông Trương Quốc Bình nói.

Chùa Cầu - biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bị xuống cấp nghiêm trọng
Chùa Cầu - biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bị xuống cấp nghiêm trọng

Khẩn trương trùng tu

Tại hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu của Nhật Bản, cùng thảo luận về nguyên nhân và mức độ xuống cấp, những quan điểm và giải pháp cho việc trùng tu; đề xuất giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy đối với chùa Cầu.

GS.TS Trương Quốc Bình nêu lên quan điểm cần hết sức cẩn trọng trước khi bắt tay vào công tác tu bổ. Theo giáo sư Bình, việc bảo quản, sửa chữa di tích phải đảm bảo các yêu cầu sau: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành của công trình; công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt; bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch nội dung vốn có của di tích lịch sử; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là sử dụng vật liệu, chất liệu mới.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, người có nhiều năm theo dõi các hoạt động bảo tồn di sản Đô thị cổ Hội An, có hai vấn đề cấp bách cần được xử lý triệt để trong dự án tu bổ, tôn tạo chùa Cầu trong thời gian tới. Một là cần ưu tiên tìm biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả vào Khe Ồ Ồ chảy dưới chùa Cầu để cư dân Hội An cũng như du khách có được cảm giác thư thái khi đến tham quan. Thứ hai, nên sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để khảo sát đánh giá lại khả năng chịu lực và độ bền vững của bộ phận móng, trụ cầu trước khi đưa ra quyết định về giải pháp trùng tu.

Chùa Cầu đang bị tác động nặng nề vì tình trạng ô nhiễm
Chùa Cầu đang bị tác động nặng nề vì tình trạng ô nhiễm

Bên cạnh các ý kiến của chuyên gia trong nước, tại hội thảo, đại diện phía Nhật Bản, ông Toshio Shimada (nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản) cam kết phía Nhật Bản sẽ phối hợp và hỗ trợ tối đa để Việt Nam sớm thực hiện công tác trùng tu di tích mà người Nhật đã góp công xây dựng. “Trước mắt, phía Nhật sẽ trình bày những kĩ thuật và ý tưởng được sử dụng tại Nhật để Việt Nam xem xét áp dụng. Ngoài ra, các kỹ sư Nhật sẽ đưa ra quan điểm để Việt Nam tham khảo”.

Kết luận hội thảo, đại diện chính quyền Quảng Nam ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn trước những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia. Đồng thời hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp sức để việc trùng tu di tích chùa Cầu sớm được triển khai, hoàn tất, với mong muốn biểu tượng của mảnh đất được công nhận là di sản văn hóa thế giới này sẽ trường tồn theo năm tháng.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm nhà khoa học bàn cách cứu chùa Cầu - Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO