Hàng không VN cấm Boeing 737 MAX, Vietjet Air nói gì?

13/03/2019 13:33

(TN&MT) - Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air vừa chính thức lên tiếng về thông thin khai thác đội tàu bay Boeing 737 MAX. Trước đó Hãng hàng không VN đã quyết định cấm loại tàu bay này trong vùng trời Việt Nam.

Theo Vietjet, hiện nay hãng chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. "Chúng tôi đang khai thác dòng máy bay Airbus A320 mới, tuổi bình quân 2,82 năm, bao gồm thế hệ mới nhất là A320-A321neo." - Hãng này khẳng định.

Vietjet khẳng định mình hoạt động theo chuẩn mực quốc tế cao nhất, cụ thể là tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của nhà chức trách hàng không châu Âu (EASA), nhà chức trách hàng không Mỹ (FAA) và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) trong đó bao gồm cả việc phê chuẩn tàu bay khai thác.

Vietjet cũng nhấn mạnh rằng, theo chuẩn mực ngành hàng không thế giới, tất cả các tàu bay của 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất Airbus và Boeing đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định cao nhất và được phê chuẩn bởi EASA hoặc FAA mới được cung cấp và khai thác tại thị trường. Nhiều thập kỷ qua, cả 2 nhà sản xuất đều cung cấp những tàu bay có độ tin cậy an toàn cao.

may bay roi 1356 1552361976
Một mảnh vỡ của tàu bay Boeing 737 MAX (Ethiopia) tại hiện trường vụ tai nạn sáng 10/3. Ảnh: Reuters

Hãng hàng không này cũng khẳng định mình luôn đặt an toàn của hành khách lên hàng đầu. Hiện hãng đang theo dõi sát sao vụ việc tàu Boeing 737 MAX và sẽ có các quyết định về việc khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức trách hàng không thế giới và Cục hàng không Việt Nam (CAAV), đảm bảo phát triển đội tàu hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cao nhất.

"Vietjet luôn chủ động về đội tàu bay khai thác và mọi kế hoạch kinh doanh vận tải hành khách hoàn toàn không thay đổi." - Hãng bay này nhấn mạnh thêm.

Trước khi Vietjet Air lên tiếng thì Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có lệnh tạm ngừng cấp phép cho loại tàu bay Boeing 737 Max.

Theo cục Hàng không, sau khi đánh giá các thông tin liên quan đến hoạt động khai thác loại tàu bay Boeing 737 Max, để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp đối với các chuyến bay sử dụng loại tàu bay Boeing 737 Max trong vùng trời Việt Nam.

Chỉ lệnh an toàn này có hiệu lực từ 10h (tức 3 giờ UTC) ngày 13/3/2019 cho đến khi có quyết định mới.

Nhiều nước cũng đã ra quyết định cấm Boeing 737 MAX hoạt động sau vụ máy bay của hãng Ethiopian Airlines gặp nạn khi đang bat tới Nairobi - Kenya khiến toàn bộ 157 người thiệt mạng.

Cuối tháng 2 vừa qua, Vietjet đã công bố thông tin hãng bay này và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing chính thức ký kết hợp đồng mua 100 tàu bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỷ Đô la Mỹ theo giá niêm yết của nhà sản xuất.

Trước đó, Vietjet cũng đã ký một đơn đặt hàng với 100 tàu bay B737 MAX vào năm 2016. Việc này từng được Vietjet tuyên bố là đánh dấu thoả thuận mua bán máy bay thương mại lớn nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam và hiện tại là hãng hàng không có đơn hàng B737 MAX lớn nhất tại châu Á.

Theo kế hoạch của đơn hàng này, tàu bay sẽ được giao cho Vietjet từ nay đến năm 2025. Những tàu bay đầu tiên sẽ được giao ngay vào Quý 4 năm nay. 

Khi PV báo Tài nguyên & Môi trường hỏi về việc trong điều kiện như vậy, liệu Vietjet có tiếp tục nhận máy bay Boeing 737 MAX theo kế hoạch hay không, đại diện của Vietjet cho biết, điều này đã được Vietjet nêu ở trên. Hiện hãng đang theo dõi sát sao vụ việc tàu Boeing 737 MAX và sẽ có các quyết định về việc khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức trách hàng không thế giới và Cục hàng không Việt Nam (CAAV).

PV cũng hỏi về việc sau những sự cố (có thể nói là bất khả kháng) như hiện tại, Vietjet có quyền từ chối nhập máy bay từ Boeing theo hợp đồng hay không. Tuy nhiên, đại diện Vietjet xin phép từ chối tiết lộ mọi thông tin pháp lý cũng như điều khoản cụ thể trong hợp đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng không VN cấm Boeing 737 MAX, Vietjet Air nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO