Hàng hóa Tết được đảm bảo chất lượng không lo về giá

21/12/2018 09:02

Các doanh nghiệp đã vào cuộc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán, hạn chế thấp nhất tình trạng khan hàng, đẩy giá.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Kỷ Hợi 2019, đây là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết đã phối hợp với Chi cục quản lý thị trường và các Sở, ban, ngành cùng các quận, huyện, thị xã đã lập kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị phục vụ Tết và kiểm tra, kiểm soát sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, đảm bảo hàng hóa có chất lượng cao, giá tốt đến tay người tiêu dùng.

Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ với tổng giá trị đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

hàng tết
Hàng hóa thiết yếu dịp tết được cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp khẳng định đảm bảo số lượng, chất lượng và giá cả.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để người tiêu dùng Thủ đô có thể mua sắm được các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đảm bảo về giá, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ lên kế hoạch tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 Trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Sở Công Thương đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2018. Đến nay có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng, tăng hơn 3.800 điểm so với năm trước.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của tất cả các đối tượng người dân và người lao động.

Theo đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết như thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản, các mặt hàng bánh kẹo, đường sữa… Tất cả đều được khai thác từ các nhà cung cấp uy tín đảm bảo cả về chất lượng cũng như giá cả. Hapro sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Khẳng định sẽ cung ứng một lượng hàng dồi dào và đảm bảo về giá cả cho người dân, đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cho hay, hệ thống siêu thị Big C đã đàm phán với các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân cả nước, và người dân hoàn toàn yên tâm không lo bị đội giá.

Bình ổn giá dịp Tết có còn phù hợp?

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc chuẩn bị hàng hóa dịp Tết, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, chương trình bình ổn giá hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm đến nay đã tỏ ra không còn phù hợp. Thậm chí, việc bình ổn giá nhiều khi còn phản tác dụng làm mất khả năng giưo thương, cân đối cung - cầu hàng hóa cũng như không giữ được tính ổn định của mặt bằng giá cả.

“Bình ổn giá hàng hóa không theo quy luật của thị trường tỏ ra lạc hậu nếu không muốn nói là phi thị trường. Nhiều mặt hàng bình ổn giá không linh hoạt theo từng thời điểm cũng như diễn biến của thị trường, nên nhiều hàng hóa ở điểm bình ổn giá có khi giá còn cao hơn bên ngoài”, ông Phú cho biết.

Theo quan điểm của ông Phú, hiện nay nói về hàng hóa cung ứng cho dịp Tết là vô cùng dồi dào và phong phú. Vấn đề làm sao là cần mở rộng nhiều điểm thu mua sản phẩm từ phía các nhà sản xuất, mở thêm nhiều điểm bán hàng, thêm các kênh tiêu thụ lớn tạo tính kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Đặc biệt trong mọi thời điểm, việc kiểm soát hàng hóa luôn phải được đề cao.

Một điểm bất cập nữa theo ông Phú, đó là hiện nay, nhiều sản phẩm được coi là đặc sản vùng miền vẫn chưa đến được tay người tiêu dùng, ngay ở các thời điểm trong năm chứ chưa nói đến dịp Tết. Còn rất nhiều sản vật địa phương người tiêu dùng có nhu cầu vẫn chưa được tiếp cận bởi kênh phân phối hàng hóa vẫn còn hạn chế.

“Nếu làm tốt các kênh phân phối tạo động lực cho người sản xuất và đảm bảo đầu ra trong khâu tiêu thụ, hàng hóa nhu yếu phẩm dịp Tết không bao giờ lo bị khan hiếm và tăng giá. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có dịp được sử dụng những hàng hóa dồi dào, hàng hóa có chất lượng cao với giá cả hợp lý trong dịp Tết”, ông Phú nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng hóa Tết được đảm bảo chất lượng không lo về giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO