Văn bản nêu rõ, giao UBND huyện Thủy Nguyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động, khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất tự tháo dỡ máy móc, di dời thiết bị sản xuất, nhà xưởng, vỏ lò trên mặt bằng sản xuất nhằm bảo quản tài sản và đảm bảo việc dừng sản xuất có hiệu quả.
TP. Hải Phòng giao huyện Thủy Nguyên có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất với UBND TP cơ chế hỗ trợ cho cơ sở sản xuất vôi thủ công, người lao động theo quy định của pháp luật. Chủ động tổ chức thực hiện công tác dỡ bỏ vỏ lò, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết các chính sách có liên quan cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo cơ chế chính sách hỗ trợ được duyệt và phù hợp với quy định pháp luật. Khuyến khích các cơ sở sản xuất vôi thủ công chuyển đổi sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác phù hợp với quy định pháp luật (sản xuất vôi công nghiệp, sản xuất vật liệu xây không nung…
Đồng thời, giao các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác tuyên truyền về việc xoá bỏ lò vôi thủ công gây ô nhiễm môi trường và định hướng phát triển sản xuất vôi công nghiệp của Chính phủ đem lại hiểu quả KTXH, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và thành phố; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các cơ sở sản xuất vôi thủ công khi có dấu hiệu hoạt động trở lại và các tổ chức, cá nhân cung cấp nguyên liệu (đá vôi, than) không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp cho các cơ sở sản xuất vôi thủ công tái hoạt động trở lại.
Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/8/2014 về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 507/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 27/04/2015, phê duyệt quy hoạch triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, việc loại bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công (gián đoạn và liên hoàn) trên phạm vi toàn quốc phải được thực hiện trong năm 2020. Mặc dù thời hạn đã được xác định, các địa phương và doanh nghiệp đang gấp rút triển khai, song thực tế việc xóa bỏ lò vôi thủ công không hề dễ dàng vì rất nhiều lý do.
Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện có 133 lò vôi thủ công, trong đó có 74 lò đã dừng hoạt động, còn lại 59 lò đang hoạt động. Kế hoạch đến hết tháng 10/2020 sẽ xóa bỏ tất cả các lò vôi thủ công trên. Việc thực hiện cũng đã được huyện Thủy Nguyên triển khai ngay từ đầu năm.
Cụ thể, tháng 5/2020 xóa bỏ 5 lò (3 lò thuộc xã An Sơn, 2 lò thuộc thị trấn Minh Đức). Tháng 6/2020 xóa bỏ 23 lò (3 lò thuộc thị trấn Minh Đức, 20 lò thuộc xã Minh Tân). Tháng 7/2020 xóa bỏ 24 lò (7 lò tại xã Minh Tân, 2 lò tại xã Kỳ Sơn, 14 lò tại xã Lại Xuân). Tháng 8/2020 xóa bỏ 7 lò (2 lò xã Gia Minh, 5 lò ở xã Lại Xuân). Đối với 74 lò đã dừng hoạt động nhưng chưa thực hiện phá dỡ sẽ được tháo dỡ, phá bỏ trong tháng 8-9/2020.
Mỗi mẻ lò (khoảng 6 tấn vôi), phải dùng hết 7 khối đá, 3 tấn than đá, 6 khối than bùn, 500 kg củi và phải đốt lửa liên tục hai tuần. Ô nhiễm môi trường không khí tại các khu vực lò vôi thủ công có nguồn gốc chủ yếu từ sử dụng đá, than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp) trong dây chuyền sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2..., chất hữu cơ bay hơi.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các lò vôi thủ công còn gây ra nhiều tai nạn lao động chết người do ngạt khí và sập lò. |
Trước đó, tại xã Minh Tân người dân quanh khu vực lò vôi liên tục có ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri về việc các lò vôi sản xuất theo công nghệ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp. Nhiều người đã kiến nghị, lãnh đạo địa phương cần có biện pháp xử lý các chủ lò vôi gây ô nhiễm môi trường, nếu nghiêm trọng cần đóng cửa ngay mà không cần đợi quy trình.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Minh Tân đã giảm 12 lò vôi so với trước. Đối với 16 lò vôi thủ công hiện đang hoạt động, địa phương yêu cầu không được cơi nới thêm hoặc cải tạo nâng cấp lò vôi, hoạt động đúng hiện trạng đến thời điểm thực hiện lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công.
Tại xã Lại Xuân, các chủ lò vôi đã có đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền khi xã này ra thông báo dừng hoạt động các lò vôi trên địa bàn từ tháng 7/2020. Nguyên nhân được cho là chính quyền huyện Thủy Nguyên chưa có phương án hỗ trợ xóa bỏ, chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công.
Ông Đỗ Văn Quang, một chủ lò vôi cho biết, chúng tôi đã chuẩn bị than đá, thuê công nhân và ký hợp đồng bán vôi cho các đơn vị đến hết tháng 10/2020 (theo kế hoạch của UBND huyện Thủy Nguyên về thực hiện xóa bỏ, chấm dứt lò vôi thủ công đến hết ngày 30/10/2020). Hơn nữa, từ đầu năm chúng tôi đã phải dừng hoạt động hơn 2 tháng vì dịch COVID-19, nguyên vật liệu giá trị hàng tỷ đồng vẫn chưa kịp sản xuất ra thành phẩm. Nếu UBND huyện Thủy Nguyên vẫn duy trì thời gian xóa bỏ lò vôi thủ công như kế hoạch ban đầu thì thiệt hại đối với chúng tôi là vô cùng lớn.
Cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được một thông báo nào về phương án hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, chuyển đổi việc làm cho người lao động. Hàng trăm lao động địa phương, chủ yếu là người trong độ tuổi từ 45-60 tuổi vô cùng hoang mang và lo lắng về vấn đề việc làm sau khi lò vôi bị dừng hoạt động. Vì vậy chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian thực hiện xóa bỏ lò vôi thủ công đến hết năm 2020 để sử dụng hết toàn bộ nguyên vật liệu, tiêu thụ thành phẩm đang tồn đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh – ông Quang cho biết thêm.
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Thành Long – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thủy Nguyên cho biết, kế hoạch của thành phố là sẽ phải dừng, xóa bỏ tất cả các lò vôi thủ công trên địa bàn vào cuối tháng 10/2020. Các hộ đề nghị kéo dài hoạt động thì sẽ không còn thời gian để dỡ bỏ theo kế hoạch của thành phố. Hiện, huyện Thủy Nguyên cũng đang nghiên cứu phương án hỗ trợ cho việc xóa bỏ lò vôi thủ công.
Chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công là đúng đắn, huyện Thủy Nguyên cũng đang gấp rút triển khai tuy nhiên chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân, đặc biệt là các chủ lò vôi, thời hạn chỉ còn 4 tháng, liệu chính quyền TP đã đủ nỗ lực để xóa bỏ lò vôi thủ công đúng hẹn ?
Báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2017 cho thấy, các lò vôi thủ công đã phát thải các loại khí bụi độc hại (khí, bụi và bụi siêu mịn…) gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại khu vực sản xuất và cộng đồng dân cư vùng lân cận. Chỉ số bụi đã vượt từ 1,6 đến 1,8 lần, khí CO vượt 4,0 đến 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các lò vôi thủ công còn gây ra nhiều tai nạn lao động chết người do ngạt khí và sập lò.