Hải Phòng: Khởi công xây dựng cầu Rào mới

Phạm Duy| 14/10/2020 00:00

(TN&MT) - Chiều 13-10, TP Hải Phòng đã tiến hành khởi công xây dựng cầu Rào mới với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo bộ, ngành TƯ.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Được đưa vào khai thác từ năm 1980 và hoàn thành xây dựng lại năm 1989, trong những năm qua, cầu Rào đã đảm nhiệm vai trò, chức năng kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng theo trục đường Lạch Tray, đường tỉnh 353, đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Hải Phòng với nhiều tỉnh, thành địa phương trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của thành phố.

Hiện cầu đang xuống cấp, bề rộng phần xe chạy 7m không đáp ứng nhu cầu khai thác vận tải ngày càng tăng và thường xuyên gây ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực. Do đó, TP Hải Phòng đã quyết định xây dựng cầu Rào mới, vĩnh cửu thay thế cầu cũ.

Thủ tướng cùng các lãnh đạo bộ, ban ngành TƯ, địa phương nhấn nút khởi công xây dựng cầu Rào

Theo quyết định của TP Hải Phòng, tổng mức đầu tư của dự án là gần 2.300 tỷ đồng, bao gồm xây dựng cầu Rào và nút giao, trong đó chi phí xây dựng là hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án được lấy từ ngân sách TP Hải Phòng.

Cầu Rào mới sẽ được xây dựng vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, bố trí theo sơ đồ: ((33+35,2) + 115 + (35,2+3x33) + 4x33)m, gồm 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên.

Các cầu nhánh phía đường Lạch Tray gồm 2 nhánh rẽ lên xuống, kết cấu dầm bản bê tông cốt thép, dạng hoa thị đơn trộn dòng, bề rộng mặt 9m, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến kết hợp kênh hóa bằng các đảo giao thông ở tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường 353 và đường Lạch Tray. Dự kiến cầu Rào sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Phối cảnh cầu Rào mới

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong những năm tới đây, là công trình điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan ở cửa ngõ phía Nam, cùng với các công trình cầu của thành phố, cầu Rào sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước cụ thể hoá Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”:“Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không”.

Cũng trong chiều 13-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã dự lễ khánh thành dự án xây dựng tuyến đường vào cùng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 362 tỉ đồng.

Thủ tướng tham dự lễ khánh thành dự án xây dựng tuyến đường vào cùng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và trồng cây lưu niệm tại đây

Dự án được hoàn thành sau 5 tháng triển khai thi công với chiều dài 3,488km, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã Lưu Kỳ, Liên Khê. Chiều rộng của đường là từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè rộng 3-5m được lát đá tự nhiên.

Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát. Riêng khu bảo tồn bãi cọc có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm các hạng mục cổng chính; hệ thống tường bao; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che và hệ thống đường dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Khởi công xây dựng cầu Rào mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO