Khi việc đánh bắt gặp khó khăn bởi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, từ năm 2000, một số người khảo sát, nuôi thử nghiệm cá lồng bè có kết quả tốt, việc nuôi cá lồng bè có hiệu quả. Nhiều hộ dân từ huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) ra, từ Yên Hưng (Quảng Ninh) sang lập bè mới, thậm chí kéo cả bè đang nuôi từ Quảng Ninh sang, vịnh Lan Hạ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nhiêm trọng.
Ngoài ô nhiễm từ lượng thức ăn cho cá, hình thức lồng bè nuôi cá trên vịnh gắn liền nhà hàng tự phát, hàng ngày đón khách xả ra lượng rác thải không nhỏ, khó quản lý. Theo UBND huyện Cát Hải, trung bình lượng rác thu gom trên vịnh Bến Bèo và vịnh Lan Hạ từ 7-8 m3/ngày, có đợt cao điểm lượng giác thu 10 m3/ngày (chưa kể đến lượng rác thải trôi dạt trên vịnh).
Việc sử dụng cát để nuôi tu hài và nuôi ngao hoa đang làm thay đổi môi trường tự nhiên đáy vịnh, xuất hiện nhiều loài vi tảo gây bệnh, ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển và có nguy cơ huỷ diệt các loài vi sinh vật biển là thức ăn của các loài thủy sản khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi cá đưa cả gia đình xuống sinh sống trên bè nuôi làm cho việc an sinh xã hội khu vực trở nên phức tạp. Việc học hành của con trẻ, chăm sóc sức khỏe người già gặp nhiều khó khăn.
Hiện trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi.
Quần đảo Cát Bà – Hạ Long đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022, Lan Hạ đang là thành viên của hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW).
Mục tiêu xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế; Trọng điểm phát triển kinh tế biển; Trung tâm thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; Hướng đến huyện đảo đô thị văn minh, hiện đại và khu dịch vụ cảng biển quan trọng của khu vực, thành phố Hải Phòng đã quyết tâm tháo dỡ các lồng bè tự phát trên vịnh Lan Hạ, quản lý và quy hoạch các hộ nuôi tại vị trí mới.
Hỗ trợ 68 tỉ đồng để tháo dỡ
Ngày 13/8, UBND TP Hải Phòng đề xuất HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định các nội dung hỗ trợ tháo dỡ cho các hộ dân trên huyện đảo Cát Bà có cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các vịnh: Cát Bà, Lan Hạ, Bến Bèo, Trà Báu và vịnh Gia Luận.
UBND TP Hải Phòng đề xuất hỗ trợ người dân có cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cả vật kiến trúc và sản phẩm nuôi với tổng số tiền trên 68,4 tỷ đồng.
Về vật kiến trúc, thành phố đề xuất hỗ trợ 19,8 triệu đồng/nhà chòi; 4,8 triệu đồng/ô lồng nuôi cá và hơn 89.000 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể. Về sản phẩm nuôi, thành phố đề xuất hỗ trợ 25.000 đồng/m3 đối với cơ sở nuôi trồng tháo dỡ trước ngày 1/1/2022. Các cơ sở nuôi trồng tháo dỡ từ ngày 1/1-31/12/2022, thành phố hỗ trợ 12.500 đồng/m2.
Thành phố cũng hỗ trợ gần 6,5 triệu đồng/người là thành viên hộ gia đình có cơ sở nuôi trồng bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhằm sớm ổn định đời sống.
Đối với các hộ vẫn muốn tiếp tục nuôi trồng thuỷ sản, theo đề án của Sở NN-PTNT Hải Phòng, có thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản để sinh nhai tại vị trí neo đậu nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã được UBND TP Hải Phòng quy hoạch, phê duyệt năm 2018 và năm 2019.
Huyện Cát Hải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên vịnh. |
Kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ hải sản
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi trồng trong quá trình thực hiện tháo dỡ lồng bè, UBND huyện Cát Hải đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực chế biển thủy sản trong các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong, ngoài thành phố Hải Phòng thực hiện thu mua, các sản phẩm thủy sản từ các giàn bè bị tháo dỡ nhằm giảm bớt các khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước.
Huyện Cát Hải cũng đề nghị Sở NN và PTNT chỉ đạo trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư, các ngành, liên kết các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố hoạt động trong lĩnh vực chế biển thủy hải sản thực hiện thu mua các sản phẩm; Sở Công thương chỉ đạo các ngành có liên quan, các siêu thị, Ban quản lý các chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở kinh doanh, chế biển thủy sản trong và ngoài thành phố hỗ trợ thu mua sản phẩm.
Theo UBND huyện Cát Hải, tổng khối lượng sản phẩm cá hiện tại trên vịnh cần hỗ trợ thu mua là 2.203.900kg, tổng khối lượng nhuyễn thể là 4.204.050kg. Giá bán các sản phẩm được công khai. Trong đó, cá song (tổng khối lượng: 1.381.430kg) có giá từ 200-500 nghìn đồng/kg, cá giò 120 nghìn đồng/kg, cá côi 130 nghìn đồng/kg, ngao hai cùi 60 nghìn đồng/kg, tu hài 250 nghìn đồng/kg.