Hải Phòng: Hiệu quả sử dụng công nghệ bể lọc U – BCF tại các nhà máy nước

24/12/2018 15:44

Sau 5 năm đưa vào khai thác vận hành nhà máy nước Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với công nghệ bể lọc U – BCF đã cho hiệu quả kinh tế cao, chất lượng nước tốt hơn, giảm được các chỉ số hợp chất hữu cơ, amonia, ni-tơ, man-gan, THMs, bảo đảm ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn nước ăn uống. Vì vậy, công nghệ bể lọc U – BCF tiếp tục được triển khai tại Dự án nâng cấp nhà máy nước An Dương và là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới hiện nay để các nhà máy nước trong cả nước triển khai áp dụng.

Do sự phát triển kinh tế vượt bậc của TP Hải Phòng trong những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu cũng như việc xả thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, các khu dân cư và việc sử dụng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp làm cho nguồn nước thô ngày càng bị ô nhiễm, dẫn đến hàm lượng chất hữu cơ, amoni, vi khuẩn gia tăng. Tuy nhiên, với dây chuyền công nghệ hiện tại của các nhà máy nước ở nước ta vẫn chưa xử lý được triệt để nếu vấn đề ô nhiễm này gia tăng đột biến. Nắm bắt được tình hình ô nhiễm ngày càng gia tăng, Cty CP cấp nước Hải Phòng đã chủ động tìm kiếm các phương pháp, giải pháp công nghệ tiên tiến trên thế giới để giải quyết vấn đề này và quyết định sử dụng công nghệ bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF của Nhật Bản. Công nghệ này đã được sử dụng tại nhà máy nước Vĩnh Bảo từ năm 2013 và cho kết quả rất tốt.

sử dụng bể lọc
Bể lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF) tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo

Theo báo cáo của Cty CP cấp nước Hải Phòng, dự án thí điểm xây dựng bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF tại nhà máy nước Vĩnh Bảo có sự giúp đỡ của Cục cấp thoát nước Kitakyushu và JICA (Nhật Bản) hoàn thành từ năm 2013. Trong đó, hạng mục chính của dự án là xây dựng lắp đặt khối bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF, gồm: 1 bể phân phối nước, 2 bể BCF, 1 bể trộn. Với công suất vận hành 5.000 m3/ngày là bộ phận dây chuyền xử lý nước theo công nghệ mới. Đến nay, sau hơn 5 năm đưa vào khai thác vận hành đã cho hiệu quả kinh tế cao, chất lượng nước tốt hơn, giảm được các chỉ số hợp chất hữu cơ, amonia, nitơ, mangan, THMs, bảo đảm ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn nước ăn uống. Đặc biệt do công nghệ U-BCF chủ yếu sử dụng than hoạt tính, công nghệ sinh học thân thiện với môi trường và không phải sử dụng hóa chất, giúp tiết kiệm hóa chất trong quá trình xử lý (giảm khoảng 38% lượng clo), giảm chi phí sản xuất nước sạch so với công nghệ sản xuất nước truyền thống.

Việc áp dụng bể lọc U-BCF là giải pháp hữu hiệu góp phần ứng phó với ô nhiễm nguồn nước. Nguyên lý hoạt động U-BCF là loại bể lọc tiếp xúc sinh học, sử dụng than hoạt tính dạng hạt làm môi trường cho các sinh vật sinh sống. Các vi sinh vật này có tác dụng ăn các chất hữu cơ, amoni, nitơ, mangan, sắt, chất hoạt động bề mặt, mùi… Quy trình hoạt động của bể U-BCF là nước thô đi dưới lên trên, xuyên qua lớp than hoạt tính, sau đó được thu vào máng ở phần trên của bể và đi vào các công đoạn sản xuất khác cho đến khi thành nước sạch theo tiêu chuẩn quy định. Việc áp dụng bể lọc U-BCF đang được đánh giá là công nghệ tiên tiến hiện đại nhất trên thế giới.

Hiện nay, nhà máy nước An Dương đang sản xuất từ 180.000 m3 – 200.000 m3/ ngày, cung cấp nước sạch cho nhân dân các khu vực đô thị và lân cận với tổng số dân 1,1 triệu người. Nguồn nước chủ yếu của các nhà máy nước là nguồn nước mặt lấy từ các con sông trong thành phố. Để xử lý chất hữu cơ các nhà máy nước đang sử dụng clo để khử trùng. Phương pháp này chỉ giải quyết được khi mức độ ô nhiễm chất hữu cơ cho phép, khi hàm lượng hữu cơ tăng quá cao, phải dùng quá nhiều clo thì sẽ sinh ra hợp chất THMs có hại cho sức khỏe người sử dụng nước. Việc triển khai các dự án trong đó có xây dựng khối bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF thiết thực nâng cao chất lượng nước sinh hoạt.

Trên cơ sở thành công của dự án xây dựng bể lọc U-BCF tại nhà máy nước Vĩnh Bảo, Chính phủ Nhật Bản quyết định tiếp tục viện trợ không hoàn lại TP Hải Phòng dự án nâng cấp nhà máy nước An Dương, dây chuyền công nghệ bể lọc U – BCF. Dự án có tồng mức đầu tư hơn 421 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản hơn 408 tỷ đồng, hơn 13 tỷ dồng là vốn đối ứng của Cty CP cấp nước Hải Phòng.

Quy mô dự án: Xây dựng khối bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF công suất 100.000 m3/ ngày, diện tích xây dựng khoảng 5.000m2 tại vị trí hồ lắng hiện có trong nhà máy nước An Dương số 194 Tôn Đức Thắng, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng; cải tạo và nâng cấp Trạm bơm nước thô Quán Vĩnh và lắp mới 3 trạm bơm và hệ thống điện, nhà quản lý, diện tích xây dựng khoảng 520 m². Dự án nâng cấp nhà máy nước An Dương chính thức được các nhà thầu Nhật Bản triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 11/2018.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 3/2020, đánh dấu sự trưởng thành của Cty CP cấp nước Hải Phòng trong việc ứng dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường làm tăng hiệu quả vận hành của các công trình xử lý nước và nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ đời sống nhân dân.

Cty CP Cấp nước Hải Phòng và Cục cấp thoát nước Kitakyushu (Nhật Bản) phối hợp thực hiện “Chương trình nâng cao năng lực xử lý loại bỏ các chất hữu cơ trong nước” kéo dài 3 năm (2010-2012). Chương trình này nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để xử lý chất hữu cơ có trong nước bằng công nghệ lọc, tiếp xúc sinh học (U-BCF) và thử nghiệm tại nhà máy nước An Dương và Vĩnh Bảo. Toàn bộ kinh phí của chương trình này do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ không hoàn lại. Việc chạy thử các cột lọc thí nghiệm công nghệ tiếp xúc sinh học U-BCF tại nhà máy nước An Dương và Vĩnh Bảo có sự giám sát kỹ thuật của các chuyên gia Cty Kobelco (Nhật Bản) cho thấy hiệu quả cao. Cụ thể, thành phần trong nước giảm hàm lượng chất hữu cơ, chất hoạt động bề mặt; giảm trên 80% amoni (NH4+); Mangan 70%; 90% chất có gốc Ni tơ và đặc biệt là giảm hợp chất THMs. Ngoài ra U-BCF còn cải thiện chất lượng nước thông qua việc giảm mùi, độ đục, độ màu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Hiệu quả sử dụng công nghệ bể lọc U – BCF tại các nhà máy nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO