Hải Phòng: Bức thiết xử lý chất thải xây dựng

Phạm Duy| 15/11/2021 09:22

(TN&MT) - Bởi sự “tất tay” vào phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, Hải Phòng đang đứng trước vấn đề lớn trong việc giải quyết rác thải xây dựng (CTRXD).

Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, về “xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, thành phố Hải Phòng đã đầu tư gần 44.000 tỉ đồng vào hạ tầng giao thông với 46 cây cầu và hàng trăm kilômét đường được xây mới. Từ đó, kéo gần khoảng cách giữa các khu vực đô thị mới và cũ, tạo điều kiện cho các vùng đất ven đô có cơ hội trỗi dậy, mở thêm được nhiều quỹ đất để phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế... nhưng đi theo đó là vấn đề xử lý rác thải xây dựng đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Đặc thù và thực trạng

Trên cơ sở những quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, ngày 16/5/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BXD, qua đó quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn xây dựng.

Theo thông tư 08, CTRXD phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình như bùn thải, bê tông, gạch vụn, hỗn hợp nhựa đường…. phải được quản lý theo nguyên tắc chung về quản lý chất thải rắn. Theo đó, nguyên tắc về vị trí, quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý CTRXD phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch quản lý chất thải rắn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường có liên quan.

Đối với chất thải có thể tái sử dụng thì có thể được sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác, đối với chất thải không thể tái chế - tái sử dụng phải đem đi chôn lấp. Theo Quy định tại Điều 5, Thông tư 08/2017/TT-BXD, trong trường hợp CTRXD thông thường có lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải nguy hại. Nếu không thể tách được thì toàn bộ hỗn hợp phải được quản lý như chất thải nguy hại.

Hiện nay, tại Hải Phòng khu vực đô thị có 03 đơn vị thu gom và vận chuyển CTRSH, công tác xử lý CTRSH do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng hiện đang đảm nhận xử lý tại Khu xử lý Tràng Cát và Đình Vũ, 07 đơn vị có chức năng thu gom xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nhiệp. Đối với CTRXD, thành phố Hải Phòng giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thực hiện tiếp nhận chất thải xây dựng tại một số dự án trên địa bàn thành phố.

Đặc thù của CTRXD thường phát sinh lớn, đột biến khi thành phố triển khai các dự án hạ tầng giao thông (khoan cọc nhồi, tháo dỡ GPMB) hoặc từ việc đào bới để xây dựng các tầng hầm của những dự án nhà ở, trung tâm thương mại.

Trong khi các khu có thể tiếp nhận, xử lý chất CTRXD (chủ yếu là chôn lấp) tại Hải Phòng phải theo quy hoạch cụ thể… thì các công trình lại phân bố rải rác đều tại các vị trí trong thành phố, dẫn đến, việc chở chất thải tới nơi tập kết theo quy định có thể phải đi một quãng đường khá dài. Điều này làm phát sinh chi phí, mặt khác các xe chở thải có trọng tải lớn cũng làm nguy hại đến các tuyến đường đô thị.

Thực tế, thời gian qua tại Hải Phòng đã xảy ra nhiều trường hợp nhà thầu đổ trộm chất thải xây dựng. Ghi nhận của PV Báo TN&MT cho thấy, tại phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh), khu vực ngã ba Đồng Nẻo phường Ngọc Xuyên, phường Minh Đức (Quận Đồ Sơn) có tới hàng trăm bãi thải xây dựng đổ ven vỉa hè, đổ lấn vào các khu đất nông nghiệp.

Mới đây, thời điểm 0 giờ 20 phút ngày 24/9/2021, lực lượng Công an xã Đặng Cương đã phát hiện, bắt giữ 2 xe tải trọng lớn đang đổ trộm bùn thải xuống hành lang đường WB, số lượng bùn thải khoảng 30 m³/2 xe. Tuy nhiên, trường hợp bắt được quả tang như trên là hãn hữu so với thực tế hiện trường để lại.

Chất thải xây dựng bị đổ trộm tại khu vực Ngã ba Đồng Nẻo, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn (Ảnh – Phạm Duy)

Chất thải xây dựng bị đổ trộm trại phường Minh Đức, quận Đồ Sơn (Ảnh – Phạm Duy)

Giải pháp nào cho chất thải xây dựng?

Theo Ban QLDA Công trình giao thông TP Hải Phòng, hầu hết các dự án hạ tầng xây dựng giao thông tại hải phòng có phát sinh CTRXD, các nhà thầu đều phải ký hợp đồng xử lý thải với 02 nội dung, chất thải rắn xây dựng thông thường và chất thải nguy hại.

Ông Lê Ngọc Biên - Chủ tịch HĐQT Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng cho biết, đơn vị này có ký hợp đồng nguyên tắc để tiếp nhận CTRXD với một số nhà thầu tại dự án Cầu Rào 1, tuy nhiên, từ lúc thi công đến nay, chưa hề có xe chở chất thải xây dựng nào về bãi.

Trong kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 05/1/2019 của TP Hải Phòng về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu tới năm 2025, 90 % CTRXD phát sinh phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mục tiêu rõ ràng đầy tham vọng, nhưng nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là gì ? trong khi đến nay cả 5 vị trí quy hoạch bãi xử lý CTRXD trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều chưa được triển khai xây dựng.

Từ thực tế trên, đòi hỏi cần có giải pháp quản lý mới, để trước mắt, ít nhất có thể ngăn chặn được tình trạng đổ trộm CTRXD tràn lan, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái và tránh hủy hoại đất nông nghiệp.

Bà Đỗ Thị Hương - Chi Cục BVMT Hải Phòng cho rằng, CTRXD chủ yếu là loại có thể tái chế, tái sử dụng. Để được tái sử dụng, giảm chi phí xử lý, CTRXD cần được phân loại tốt tại nguồn, cùng với cơ chế về quản lý nhà nước để giám sát hoạt động phân loại trên. Nếu đã được phân loại, đảm bảo có thể tái sử dụng, nguồn chất thải này sẽ được cho phép đến các dự án khác cần san lấp.

Song song với đó, TP cần sớm triển khai xây dựng 5 khu xử lý chất thải rắn xây dựng tại vị trí đã quy hoạch (theo Quyết định 1711/QĐ-UBND ngày 11/10/2012 của UBND TP Hải Phòng, phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025 ) và có cơ chế để thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu tái chế CTRXD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Bức thiết xử lý chất thải xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO