(TN&MT) - Đó là thông điệp mà Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đưa ra khi trả lời phỏng vấn phóng viên tainguyenmoitruong.com.vn sáng 30 Tết Ất Mùi tại Trụ sở Giáo hội Phật Giáo Việt Nam - chùa Quán sứ Hà Nội.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam
PV:Kính thưa Hòa thượng, xin thầy cho độc giả biết tục hái lộc đầu Xuân nên được hiểu thế nào cho đúng?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Tục hái lộc của dân tộc Việt Nam có từ lâu đời. Nhưng nhà chùa thấy rằng tục hái lộc đầu Xuân đã gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Chúng ta đang sống được là nhờ môi trường, nếu hái lộc mà hái chồi non là chúng ta đang làm mất lộc chứ không phải được lộc như nhiều người vẫn nghĩ. Mùa xuân, hầu hết cây cối đâm chồi nẩy lộc mà mọi người hái mầm, hái ngọn đi thì khác gì mình triệt sự sống của cây cối. Vì vậy, tôi cho rằng tục hái cây, bẻ cành vào thời khắc năm mới là điều không nên.
PV: Thưa thầy, trong suy nghĩ của người Việt Nam, ai cũng muốn có một chút lộc đầu Xuân, vậy họ nên làm thế nào mỗi khi bước sang năm mới?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Trước hết, tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta nên từ bỏ thói quen bẻ cành hái lộc. Chúng ta không nên làm đau chồi biếc. Ngày đầu năm, chúng ta đến chùa hãy xin lộc bằng những bông hoa, nhành lộc mà các nhà chùa bố trí sẵn, mọi người hãy xin lộc đó về sẽ tốt hơn. Hoặc nữa, thay vì hái lộc, bẻ cành từ những cây xanh, mọi người nên mua những cây mía, bó hoa, nắm cây phát lộc… mà người dân bán sau Lễ Giao Thừa mang về thì cành lộc đó sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu hướng dẫn Phật tử những khu vực được bố trí sẵn hoa để mọi người xin lộc đêm Giao thừa
PV:Mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều có sự sống, cây cũng sẽ biết đau nếu chúng ta hái lộc bừa bãi đúng không thầy?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Đúng vậy, tất cả các cây đều có sự sống. Nếu mọi người cứ đến chùa hoặc ra phố, vào công viên bẻ cành cây, thì không khác gì chúng ta bẻ cánh tay, triệt sự sống của cây cối. Ngoài ra sáng mồng Một Tết, nếu chúng ta đi qua những khu mình vừa bẻ cành ban đêm, cành cây sẽ trơ trọi lá, cây cối không còn hình hài, sẽ rũ rượi… trông rất thảm thương. Và cành lộc các bạn mang về cũng chỉ vài giờ là héo úa chứ không còn là cành lộc nữa. Vì vậy, tôi mong rằng mọi người nhất là lớp trẻ khi vào chùa lễ Phật đầu năm, hoặc ra đường cũng vậy, chúng ta không nên bẻ cành hái lộc.
PV:Bạch thầy, trong những năm gần đây, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp đến với người dân và phật tử về giữ gìn cây xanh và bảo vệ môi trường mỗi khi Tết đến Xuân về như thế nào?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã liên tục tuyên truyền đến Phật tử đầu năm chúng ta lên Chùa lễ Phật để cầu mong an lành cho một năm may mắn, khỏe mạnh. Có sức khỏe chúng ta sẽ có tất cả. Như vậy, một lần nữa nhà chùa mong rằng mỗi chúng ta hãy coi mỗi nhành cây, ngọn cỏ là một sự sống để bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường.
PV:Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!
Việt Hùng (thực hiện)