Hái lộc đầu năm: Cây xanh nhỏ lệ

27/01/2017 00:00

(TN&MT) - Hái lộc đêm giao thừa cũng là một quan niệm của người xưa. Khi ấy, trời đất rất linh thiêng, thời khắc chuyển giao, khí âm dương hội tụ, cành non lộc biếc sẽ đón nhận sự tươi mới, đem lộc về sẽ có nhiều may mắn.

>> ThángChạp

Buổi sáng chủ nhật hai chú cháu tôi đang ngồi uống cà phê thì ông nhận được điện thoại báo sáng thứ 2 đến sớm để họp “canh cây”. Tôi từng nghe đến những cuộc họp như họp giao ban, họp triển khai kế hoạch, họp tổng kết, họp chuyên môn... chứ từ xưa đến nay chưa nghe thấy họp “canh cây” bao giờ.

Thấy tôi thắc mắc, ông chú phì cười bảo: “Họp canh cây tức là họp để cắt cử người gác mấy cái cây ở trong sân cơ quan vào đêm giao thừa và sáng mùng một. Nhiệm vụ quan trọng nhất đấy cháu ạ”.
Rồi ông chú kể, năm nào cũng thế, ngoài những công việc cuối năm bận rộn mà hầu hết các cơ quan đều phải làm thì nhiệm vụ bảo vệ mấy cái cây xanh trong sân cơ quan cũng được đưa vào nhiệm vụ quan trọng. Năm nào ban giám đốc cũng phải họp riêng với đội bảo vệ để đưa ra “phương án tác chiến” bảo vệ cây xanh.

Thay vì
Thay vì "hái" lộc, rất nhiều người đã bẻ cả một cành rất to khiến cho cây trở nên xơ xác và thiếu sức sống

Ông chú tôi làm việc ở một ngân hàng, mà đêm 30 thì người dân đua nhau đến các đền chùa, ngân hàng, kho bạc để “hái lộc”. Mấy năm trước đây ngân hàng chỗ ông làm chưa trồng cây, chỉ có mỗi một cây keo mọc từ lâu đời trong sân, sau muốn tăng cường cây xanh cho môi trường làm việc, sếp cho trồng thêm vài cài cây nữa. Có năm sau kỳ nghỉ tết thì cả mấy cái cây đều bị vặt trụi trông xơ xác. Năm sau đó sếp cắt cử một người canh không cho dân vào bẻ cây “hái lộc” nhưng khổ nỗi ngăn được người này lại không ngăn được người kia, mặc dù hò hét đến khản cổ nhưng vẫn bị người dân trèo qua tường rào để vào “hái lộc”. Có người còn vác cả dao vào chặt lấy một cành to mang về nhà.

Từ năm sau đó, lực lượng bảo vệ được huy động tối đa cho đêm 30 tết để “canh cây”, đồng thời ban giám đốc cũng đưa ra nhiều phương án để giữ được mấy cái cây xanh còn nguyên vẹn như cắm thêm một hàng song sắt trên bức tường, hoặc mượn mấy con chó thả trong sân để “canh cây”...

“Năm nay chắc chú phải trực đêm 30 tết rồi”. Ông chú thở dài. “Sếp cũng không muốn “lộc” của mình bị vặt trơ trụi cho nên đặt nặng vấn đề canh mấy cái cây đó lắm. Mà người dân thì lại cứ nhè cây của ngân hàng với kho bạc mà hái lộc, cứ như thể hái được tiền ấy, rõ khổ”.

Nghe ông chú kể tôi mới nhớ lại là ngày xưa mình cũng từng đi “hái lộc”. Ngày đó đường phố vắng vẻ lắm, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi hái lộc ở những cây xanh trồng trên phố, nhưng mỗi đứa cũng chỉ hái một cành nhỏ mang về treo ở cửa sổ hoặc ngoài hiên nhà, chứ không như bây giờ, người ta hái lộc cả cành, thậm chí có người còn bứng luôn cả cái cây cảnh ở nơi công cộng để mang về lấy lộc.

Hái lộc đầu năm là một phong tục văn hóa lâu đời của nhân dân
Hái lộc đầu năm là một phong tục văn hóa lâu đời của nhân dân

Theo phong tục xưa, cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà. Thường thì mọi người sẽ chỉ hái một cành nhỏ cây si, cây sung, cây đa...là những loại cây vốn có sức sống mạnh mẽ bền bỉ để đem về nhà treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa để mong một năm mới bình an, phú quý, một khởi đầu tốt đẹp vì lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú, và khởi đầu của mọi sự sinh sôi.

Hái lộc đêm giao thừa cũng là một quan niệm của người xưa. Khi ấy, trời đất rất linh thiêng, thời khắc chuyển giao, khí âm dương hội tụ, cành non lộc biếc sẽ đón nhận sự tươi mới, đem lộc về sẽ có nhiều may mắn. Khi hái được cành lộc mang về, sẽ tạo cho gia đình tâm lý phấn khởi, được được quý nhân phù hộ, cả nhà được không khí tinh khiết, ấm áp của mùa xuân, tâm hồn trong sáng sẽ hướng thiện nhiều hơn.

Theo phong tục của người xưa thì khi hái lộc phải im lặng không được lên tiếng, khi hái phải bày tỏ thiện thâm, thầm cầu khấn cho mình và những người thân được bình an và hạnh phúc. Hái lộc cũng phải biết cách hái thì lộc mới thiêng. Hái lộc đúng cách thì phải hái bằng tay trái. Người xưa quan niệm rằng tay trái là cánh tay ở gần trái tim, sức sống mãnh liệt hội tụ từ thiên nhiên sẽ được truyền đến trái tim, khiến toàn thân có cảm giác căng tràn nhựa sống. Ngoài ra tay trái không phải là tay “thuận” của đa số người cho nên hái bằng tay trái sẽ nhẹ nhàng và không làm đau cành lá.

Có thể nói rằng, ngay cả trong cách hái lộc người xưa đã rất tinh tế để nét văn hóa truyền thống cao đẹp này mang thông điệp rằng con người luôn hướng đến thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên và không làm “đau” cây cỏ.

Ngẫm lại, ngày nay dường như người ta đã quên mất điều đó. Chúng ta không lạ gì với những hình ảnh đêm 30 có nhiều “vác dao đi chặt lộc” khiến cho những cây xanh ven đường “đau” đến xơ xác vì trụi lá, mất cành. Không lạ gì với hình ảnh những nam thanh nữ tú kết thành hội hùa nhau trèo vào các cơ quan ngân hàng, kho bạc để “cướp lộc”. Trong khi “hái” họ không những không lặng im mà còn trò chuyện, văng tục và dùng cả hai tay giật lấy một cành sao cho to nhất, đẹp nhất để mang về. Có người còn trèo lên cây để cao để chọn “lộc đẹp” và không hái riêng cho mình mà còn hái hộ cho bạn bè, người thân. Có người còn lấy cả xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”. Họ cho rằng “cướp”, “chặt” được cành lộc càng to thì họ càng gặp nhiều may mắn, dồi dào. Các đình, đền, chùa cũng bị những người dân thiếu ý thức “vặt” sạch cành lá hy vọng được thần phật giúp đỡ trở nên phú quý, giầu có và thành đạt.

Ngày mùng 1 tết khi đi ra đường, nhiều người không khỏi cảm thấy bị tổn thương khi những cành cây quen thuộc trên con phố gần nhà đã bị chặt phá tan tác vào cái ngày đầu năm rừng rực sức sống ấy.

Hỏi cây có đau không? tất nhiên là có. Lẽ ra những mầm lộc xanh biếc ấy sẽ nảy nở những chiếc lá non, những cành mơn mởn ấy sẽ lớn lên thành những tán cây che bóng mát, những ngọn cây vươn lên cao ấy sẽ điểm những bông hoa cho mùa xuân thêm rực rỡ. Vậy mà, chỉ sau một đêm, bao nhiêu mầm hy vọng mới đã bị “vặt trụi”. Không những cây cỏ đau, mà thiên nhiên cũng đau. Con người vì chút “lộc” vô căn cứ mà tàn phá thiên nhiên, làm tổn hại môi trường sống, làm mất cảnh quan của quần thể và làm cho người lao công lại oằn mình chở những xe rác kẽo kẹt suốt những ngày tết.

Những mầm lộc xanh biếc ấy sẽ nảy nở những chiếc lá non, những cành mơn mởn sẽ làm đẹp cho đời
Những mầm lộc xanh biếc ấy sẽ nảy nở những chiếc lá non, những cành mơn mởn sẽ làm đẹp cho đời

Theo các nhà nghiên cứu Phật học và tâm linh thì trong dân gian có truyền thuyết rằng những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vì vậy không nên hái cành lộc vào ngày Tết mang về nhà làm cho những vong linh mất chốn dung thân, tạo nên điều không tốt với người đã khuất. Cũng theo các nhà nghiên cứu, hái lộc ở những nơi linh thiêng, lấy của chùa về làm của riêng, tàn phá cảnh quan nhà Phật là một việc làm “phải tội”. Còn theo khoa học thì không có chuyện hái lộc non là đưa lại may mắn, sức khỏe hay tài lộc cho bản thân và gia đình. Điều đó vừa tàn phá môi trường vừa không đúng thuần phong mỹ tục.

Mỗi người “hái” một cành lộc là góp phần vào việc gây cho thiên nhiên dần cạn kiệt nguồn sống, góp sức gây biến đổi khí hậu và đưa mỹ tục của người Việt đến bến bờ thảm họa.

Phải chăng, hái lộc chỉ nên nhẹ nhàng như những điều ước nhỏ bé về sự bình yên, hạnh phúc, và tình yêu như tác giả Cao Xuân Sơn đã viết: “Một nhành em, một nhành anh, một nụ hôn... thế là thành mùa xuân/ Còn mong chi, hỡi tình nhân?/ người ta có phúc có phần cả thôi...”.

Khương Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hái lộc đầu năm: Cây xanh nhỏ lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO