Chương trình nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới dễ dàng biết, hiểu và tiếp cận thuận tiện hơn quả vải thiều Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Việt Nam là xứ sở nhiệt đới với nhiều loại nông sản phong phú, trong đó vải thiều từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người yêu thích. Việt Nam cũng là quốc gia có điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước, việc trồng và giao thương còn nhiều khó khăn. Nhưng từ sau năm 1989, Việt Nam đã vươn lên thành nhà cung cấp nông sản lớn, với mức tăng trưởng 3,5% một năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói: "Chúng tôi đã luôn đặt câu hỏi phải làm sao để đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, nông sản Việt Nam cần đạt chất lượng cao như thế nào, cần làm gì để vượt qua rào cản thương mại, để nhiều người dân trên thế giới được hưởng hương vị đặc sắc của nông sản Việt Nam".
Cũng theo Thứ trưởng, hiện Việt Nam ký kết 17 hiệp định thương mại, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, dần khẳng định vị trí trên thế giới. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 46,8 tỷ USD, tăng 12 lần so với năm 2000.
Tại diễn đàn, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ câu chuyện về con đường phát triển bền vững của vải thiều Hải Dương. Theo ông Quân, Hải Dương có 60% diện tích đất nông nghiệp, 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai màu mỡ... cùng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Hằng năm, tỉnh sản xuất 2 triệu tấn nông sản, trong đó, nổi bật là sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon, nổi tiếng.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam "Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)" cho cây vải tổ ở xã Thúy Lâm, huyện Thanh Hà. Vải Thanh Hà cũng đạt top 10 nhãn hiệu nổi tiếng, được bình chọn là tinh hoa đặc sản 3 miền. Toàn tỉnh hiện có trên 9 nghìn hecta trồng vải, thu hoạch 60 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó có 50% sản lượng vải thiều được tiêu dùng trong nước, 40% xuất khẩu tới các thị trường truyền thống, 10% xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản...
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Ông Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang được biết đến là thủ phủ vải thiều của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, diện tích khoảng 28.000 nghìn ha. Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia), là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có diện tích vải thiều sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 15.400 ha (chiếm 54% tổng diện tích trồng vải của địa phương), sản lượng khoảng 125.000 tấn; diện tích vải thiều sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 102 ha, sản lượng trên 1.000 tấn. Năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt; với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước.
Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang duy trì xuất khẩu sản phẩm quả vải tươi và vải thiều chế biến. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua; đồng thời, tỉnh tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore…
Tỉnh cũng quan tâm đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội…Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn tồn động như vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi đến thị trường cao cấp chưa được nhiều... Vì vậy, tại diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đều nhấn mạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức… đối với công tác kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều. Lãnh đạo 2 tỉnh đều cam kết tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, bến bãi, cơ sở vật chất... cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ diễn đàn, tại tọa đàm với chủ đề "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam", đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các hợp tác xã trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu cùng thảo luận về quy trình trồng trọt và chăm sóc vài thiếu ngon và sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều.
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Năm nay, Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn.