Hải Dương: Nhiều dấu hỏi trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh?

Phạm Thiệu| 14/08/2020 16:59

(TN&MT) - Nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc điều kiện chưa rõ ràng nhưng Sở Y tế Hải Dương vẫn cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Đặc biệt, phạm vi chuyên môn cấp cho những trường hợp này có vẻ không phù hợp với chuyên môn họ được đào tạo trước đó?

Chưa đủ điều kiện vẫn cấp chứng chỉ hành nghề?

Những năm trở lại đây, tình trạng học sinh Việt Nam “đổ xô” đi học tại các cơ sở đào tạo y khoa của nước ngoài chiếm số lượng không ít. Theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh thì một sinh viên tốt nghiệp cử nhân y khoa ở nước ngoài sẽ được hành nghề tại Việt Nam khi đáp ứng được một số điều kiện, trong đó có hai điều kiện quan trọng sau: Được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng cấp và có chứng chỉ học định hướng chuyên khoa phù hợp với chuyên ngành được đào tạo tại cơ sở đào tạo y khoa hợp pháp của Việt Nam.

Tuy nhiên, nguồn tin của Báo TN&MT cho biết, tại tỉnh Hải Dương, nhiều trường hợp tốt nghiệp cử nhân y khoa ở nước ngoài về chưa đủ điều kiện hoặc điều kiện chưa rõ ràng nhưng vẫn được Sở Y tế tỉnh này cấp chứng chỉ hành nghề. Thậm chí một số trường hợp còn “học một đằng, cấp một nẻo”.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho một số trường hợp ở Hải Dương có đúng với quy định của pháp luật?

Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Đức Hùng (từng công tác tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông Hùng tốt nghiệp cử nhân y học chuyên ngành Y học lâm sàng Đông Tây y tại Đại học y học cổ truyền Trung Quốc Quảng Tây (tên tiếng Trung là Học viện Trung y Quảng Tây) vào năm 2012.

Sau khi về nước, ông Hùng đi học và được cấp một số chứng chỉ khác nhau như: Chứng chỉ định hướng chuyên khoa Y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Hà Nội; Chứng chỉ định hướng chuyên khoa Nội tại Trường Đại học Y Hà Nội …

Ngày 5/7/2016, ông Nguyễn Đức Hùng được Sở Y tế Hải Dương cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn là: Khám, chữa bệnh nội khoa dù trường học của ông Hùng chuyên về y học cổ truyền. Nghiêm trọng hơn, ông Hùng được cấp chứng chỉ hành nghề khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam công nhận bằng cấp.

Cụ thể, một trong những điều kiện để một sinh viên tốt nghiệp cử nhân y khoa ở nước ngoài được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là bằng cấp của họ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là bằng đại học. Bằng cấp của ông Nguyễn Đức Hùng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là bằng đại học vào ngày 14/6/2018. Thế nhưng trước đó gần 2 năm, ngày 05/7/2016, ông Phạm Mạnh Cường, giám đốc Sở Y tế Hải Dương vẫn cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Hùng khi bằng cấp của ông này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là bằng đại học.

Những mập mờ cần làm rõ

Một trường hợp khác là ông Phạm Hải Dương (từng công tác tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình). Ông Dương tốt nghiệp chuyên ngành Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp tại Đại học y học cổ truyền Trung Quốc Quảng Tây năm 2009. Ông Dương sau đó về nước có học thêm một số chứng chỉ định hướng chuyên khoa khác nhau như: Y học cổ truyền, siêu âm …

Ngày 12/10/2015, Sở Y tế Hải Dương cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Phạm Hải Dương với phạm vi hoạt động chuyên môn là: Khám, chữa bệnh nội khoa, siêu âm. Điều đáng nói ở chỗ, thời điểm Sở Y tế Hải Dương cấp chứng chỉ cho trường hợp này, Bộ Y tế không có quy định cụ thể về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho những người tốt nghiệp y khoa tại nước ngoài?

Sở Y tế Hải Dương cần làm rõ những dấu hỏi trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh

Không những vậy, tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, chương trình học chuyên ngành Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp tại Đại học y học cổ truyền Trung Quốc Quảng Tây phần lớn nghiêng về đông y. Cụ thể, một sinh viên chuyên ngành Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp phải học tổng cộng 137 học phần (gồm 107 học phần cơ bản và 30 học phần tự chọn).

Trong 107 học phần cơ bản, sinh viên phải học 34 học phần những môn cơ bản (dành cho cả đông y và tây y, chiếm 31% thời lượng học phần cơ bản), 23,5 học phần chuyên sâu về đông y (chiếm 21,9% thời lượng học phần cơ bản), 5,5 học phần chuyên sâu về tây y (chiếm 5,1% thời lượng học phần cơ bản) và 44 học phần đông tây y kết hợp (chiếm 42% thời lượng học phần cơ bản).

Đối với 30 học phần tự chọn, ông Phạm Hải Dương học 14,5 học phần chuyên sâu về đông y (chiếm gần 50% thời lượng học phần tự chọn). 15,5 học phần còn lại, ông Dương cũng chỉ chọn những môn học cơ bản hoặc đông tây kết hợp chứ không học chuyên sâu về tây y.

Như vậy có thể thấy, những người tốt nghiệp chuyên ngành Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp tại Đại học y học cổ truyền Trung Quốc Quảng Tây như ông Phạm Hải Dương, ông Nguyễn Đức Hùng phần lớn học đông y, sau đó học thêm đông tây y kết hợp chứ không học chuyên sâu về tây y.

Câu hỏi đặt ra là những sinh viên học chủ yếu về đông y và đông tây y kết hợp như vậy khi về Việt Nam, họ học thêm định hướng chuyên khoa tây y (thời gian học là 12 tháng) thì chất lượng khám, chữa bệnh của những “bác sỹ” này sẽ như thế nào? Việc Sở Y tế Hải Dương cấp chứng chỉ hành nghề với chuyên môn: Nội khoa, siêu âm … cho họ đã phù hợp với chuyên ngành họ được đào tạo hay chưa?

Nhằm làm rõ thông tin nêu trên, PV báo TN&MT đã liên hệ đặt lịch làm việc với Sở Y tế Hải Dương. Tuy nhiên đại diện sở này cho biết đã nắm bắt thông tin và đã báo cáo với cơ quan hữu quan. Vị này cũng từ chối gặp trực tiếp để trao đổi mà chỉ cung cấp các cho PV báo cáo của Sở Y tế Hải Dương về vụ việc.  

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Nhiều dấu hỏi trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO