Về xã Kim Đính, huyện Kim Thành (Hải Dương) mọi người đều dễ dàng nhận ra sức sống mới những vườn cây xanh mướt cho mùa hoa thơm trái ngọt, ao nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế. Có được diện mạo của vùng đất một thời được coi là vùng đất “chết” là do xã Kim Đính đã nỗ lực vận động người dân lập trang trại nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả sau khi các lò gạch được chủ lò tự nguyện tháo dỡ. Đây không những là hướng đi mới mà còn góp phần tạo động lực để các hộ có thể quy hoạch thành vùng chuyên canh cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nơi những lò gạch trước đây như vùng đất chết nay đã hồi sinh với ao nuôi trồng thủy sản và vườn cây xanh mướt |
Gia đình ông Ngô Văn Viện ở thôn Chuẩn Thừng có truyền thống làm gạch từ lâu đời. Hơn 20 năm, ông Viện gắn bó với nghề làm gạch, chi phí ban đầu bỏ ra cả tỷ đồng nên khi nghe xã có thông báo tháo dỡ lò gạch thủ công gia đình ông rất lo lắng. Ban đầu do xót của, tiếc công nên ông không đồng ý. Sau đó, xã tuyên truyền, vận động nên ông đã dần ý thức được tác hại của lò gạch đối với sức khỏe của người dân và các loại hoa màu khác. Tháo dỡ lò gạch xong ông chuyển sang phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thu nhập không cao như trước nhưng ông vẫn quyết tâm phát triển mô hình này.
Không chỉ ông Viện mà các hộ khác đều đã tự nguyện phá dỡ lò gạch thủ công. Khi phá bỏ lò gạch, gia đình ông Phạm Văn Tùy cũng ở thôn Chuẩn Thừng đầu tư trên 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 3 cặp lò gạch úp vung, xử lý khói bằng nước vôi trong. Mặc dù thu nhập từ sản xuất gạch khá cao nhưng khi được xã tuyên truyền, vận động gia đình ông vẫn thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh Hải Dương tháo dỡ lò gạch thủ công. Trên diện tích hơn 6 ha này, ông nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả. Mỗi năm ông thu hoạch từ 1 - 2 lứa cá, lãi gần 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông trồng 300 cây nhãn và nhiều cây ăn quả, rau màu ngắn ngày khác.
Theo ông Nguyễn Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Kim Đính, trước đây, sản xuất gạch được xem là nghề mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất của xã. Tuy vậy, các lò gạch thủ công hoạt động tự phát, thiếu quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong xã và các địa phương lân cận.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, xã Kim Đính đã vận động người dân tự tháo dỡ các lò trong khu dân cư. Thời gian đầu, việc này gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng ý vì ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và việc làm của họ. Trước thực trạng đó, xã đã tích cực định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các ngành nghề khác. Sau khi tháo dỡ lò, các hộ được tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế. Đến nay, xã Kim Đính đã xóa sổ lò gạch thủ công.
Chủ trương chuyển đổi đất sản xuất gạch sang sản xuất nông nghiệp ở Kim Đính đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên, để các khu chuyển đổi phát huy lợi thế, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân thì các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về sản xuất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...
Bài & ảnh: Phạm Hoàng