Hải Dương: Hiệu quả từ “cánh đồng không rác thải”
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thực hiện hiệu quả mô hình “cánh đồng không rác thải”. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức người dân bảo vệ môi trường, đặc biệt xóa được nạn rác thải từ bao bì, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật.
Ấm no từ “Cánh đồng không rác thải”
Chúng tôi đến thăm mô hình “Cánh đồng không rác thải” điển hình trồng nông sản cà rốt xuất khẩu của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Dọc tuyến đường bê tông, xanh mướt luống cà rốt “sạch bóng” không còn tình trạng bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như trước. Giờ đây, người dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật liền bỏ vỏ chai, bao bì vào các thùng chứa được đặt ngay tại ven đường chờ được thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, chia sẻ: Năm 2016, ông được giao về làm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, một địa phương trồng cây nông sản xuất khẩu đứng đầu của tỉnh Hải Dương. Đây là xã có diện tích đất trông cây hằng năm là 360ha trong đó cây cà rốt chính vụ và các loại nông sản: Dưa hấu, dưa lê, ngô ngọt… Cà rốt lúc bấy giờ được các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu đặc biệt quan tâm, chuẩn bị xúc tiến thương mại để xuất khẩu.
Một số nước đã đến thăm quan cánh đồng trồng cà rốt, đều nhận xét là hàng hóa tốt đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ, nhưng có ý chê cánh đồng trồng cà rốt không đảm bảo môi trường. Bởi khi đó, người dân có thói quen sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón vứt luôn xuống kênh mương, bờ bãi thậm chí cả luống trồng cây.
Nhận thức việc bảo vệ môi trường không những làm ảnh hưởng lâu dài về sản xuất, sức khỏe nông dân và nhất là sản phẩm xuất được ra thị trường thế giới với giá cao hơn (từ 5 – 7 lần) bán trong nước, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính đã tiên phong đề xuất thực hiện mô hình “cánh đồng không rác thải” lấy lòng cốt là Hội phụ nữ xã.
Theo đó, Hội phụ nữ xã Đức Chính đã thành lập 7 tổ thực hiện mô hình “cánh đồng không rác thải” với 500 hội viên, các hội viên được tập huấn thường xuyên, triển khai thực hiện ngay trên thửa ruộng của gia đình mình, đi đầu gương mẫu và nhắc nhở các hộ cùng thực hiện.
Để việc thu gom rác hiệu quả, Hội Phụ nữ đã phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xây dựng 20 bể chứa rác, việc vận chuyển để xử lý được giao cho tổ viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. “Cánh đồng không rác thải” đã đưa xã Đức Chính trở thành điển hình về bảo vệ môi trường.
Từ mô hình này, bà con nông dân đã thoát nghèo, nhiều hộ dân đã trở thành tỷ phú nhờ xuất khẩu cà rốt, sang các nước Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thu nhập hàng năm từ 500 – 1 tỷ đồng và được đánh giá cao là an toàn thực phẩm.
Xã Phạm Trấn – đang nhân rộng mô hình
Xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc tuy mới thực hiện thí điểm mô hình “cánh đồng không rác thải” năm 2022, nhưng đến nay được đánh giá là địa phương điển hình thực hiện tốt. Mô hình “cánh đồng không rác thải” được Hội nông dân xã tổ chức, triển khai và thực hiện quy củ, bài bản đã thay đổi được nhận thức, hành động của các hộ nông dân sản xuất trong xã.
Ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch Hội nông dân xã Phạm Trấn cho biết: Năm 2022, hưởng ứng phong trào do Hội Nông dân tỉnh phát động, Hội Nông dân xã đã xây dựng mô hình điểm “cánh đồng không rác thải” ở hai thôn Nam Cầu và Côi Thượng, với tổng số 70 hội viên.
Để mô hình "Cánh đồng không rác thải" trở thành một việc làm thường xuyên, không tách rời với cuộc sống hàng ngày của người dân, trồng trên 100ha nông sản, Hội Nông dân đã đề ra những quy định cụ thể. Trong đó, có việc xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình vào việc đánh giá thi đua cuối năm của các đơn vị. Hằng quý, hội đều tổ chức kiểm tra hoạt động, biểu dương những mô hình làm tốt, góp ý với những mô hình chưa hiệu quả.
Mỗi ngày các thành viên tổ tự quản hoặc người dân đi làm đồng, nếu thấy rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật rơi vãi ngoài đường sẽ nhặt cho vào các cống bê tông, sau đó sẽ được bộ phận có trách nhiệm thu gom đưa đi xử lý.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, mô hình dễ thực hiện vì ai cũng có thể làm được và mang lại lợi ích thiết thực nên nhận được sự hưởng ứng của người dân. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhận thức của các thành viên tổ tự quản và người dân đã nâng cao. Nhiều người tự chủ động mang cỏ rác, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi làm đồng đến nơi tập kết mà không cần nhắc nhở. Chính vì thế, các cánh đồng dần sạch đẹp mà không mất quá nhiều thời gian dọn dẹp.
Hội Nông dân còn tổ chức phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng; vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh mương; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng… tập trung triển khai mô hình “Cánh đồng không rác thải” đạt hiệu quả tích cực. Hiện xã Phạm Trấn đang nhân rộng ra 4 thôn và duy trì hoạt động trên 100 bể chứa rác thải, thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng.
Hội giao cho các hội viên tham gia mô hình sẽ tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, không vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc BVTV. Vận động nông dân tham gia hưởng ứng khi có đợt vệ sinh môi trường đồng ruộng.
Cùng với đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong trồng trọt và vệ sinh môi trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại rác thải trên cánh đồng. Giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của tập thể, cá nhân và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm.
Mô hình điểm “cánh đồng không rác thải” đang thực hiện và được nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực bảo vệ môi trường, góp phần tăng thêm thu nhập từ các loại cây nông sản sạch nâng cao chất lượng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con nông dân.