Tại hiện trường, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận cảnh trên bến - dưới thuyền tấp nập. Cả một bãi dài tới gần 2km đen kịt với hàng chục bãi than chất cao như núi. Nhiều đống than cao tới 5 - 6 mét, vượt cả ngọn bụi tre ven đê chắn sóng… tiếng lục cục, lạo xạo lớn phát ra từ những chiếc máy nghiền than ầm ĩ cả khúc sông.
Tiếng lục cục, lạo xạo lớn phát ra từ những chiếc máy nghiền than ầm ĩ cả khúc sông - Tại bãi chế biến than của ông Đặng Văn Kiên.
Quản lý đê “Bất lực”
Ông Nguyễn Văn Đức – Hạt trưởng Hạt đê điều Kim Thành cho biết, có 05 hộ đang hoạt động kinh doanh, chế biến than than tại chân cầu Mây, các bãi than nêu trên thuộc 03 xã: Xã Cộng Hoà; xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành và xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách. Các hộ trên hoạt động từ năm 2010 tới nay, vi phạm nghiêm trọng luật đê điều, hạt quản lý đê đã nhiều lần ra văn bản xử phạt, các hộ nộp phạt rồi lại đâu vào đấy. Tất cả các bãi hoạt động kinh doanh, chế biến than trên đều chưa được cấp phép.
“Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Huyện kim thành đã ra văn bản số 02/PCTT&TKCN ngày 30/6/2020 theo đó yêu cầu các bến bãi ngoài đê nằm trên hành lang thoát lũ di chuyển hết máy móc, trang thiết bị, giải toả bãi than., vật liệu, tháo dỡ nhà tạm trước này 20/7/2020. Theo đó, Hạt quản lý đê đã phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc thực hiện .. nhưng việc giải toả mới ‘hạn chế’ chưa được nhiều... ” – Ông Nguyễn Văn Đức nói
Ông Đức biết thêm, theo quy định, cơ quan quản lý đê chỉ thông báo, các hộ không chấp hành thì các bước tiến hành xử lý tiếp theo thuộc về chính quyền địa phương, quản lý đê không có lực lượng để cưỡng chế, nhiều lần va chạm với người vi phạm bị đe doạ…
Bến thuỷ không phép của ông Đặng Văn Kiên |
Than trên bãi kinh doanh - chế biến không phép của ông Đặng Văn Kiên |
Bãi than chất cao như núi trên hành lang thoát lũ - vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều. |
Hàng chục bãi than chất cao như nũi, tấp nập trên bến - dưới thuyền |
Thuê đất một đằng làm một nẻo?
Ngày 12 tháng 4 năm 2019, Hạt quản lý đê điều huyện Kim Thành đã ra Quyết định Số 17/QĐ-QLD đình chỉ hoạt động đối với hộ ông Nguyễn Văn Phẩm do kinh doanh, chế biến than không phép, tại K0+500 tới K0 + 950 tại đê tả sông Lai Vu (xã Cộng Hoà, huyện Kim Thành). vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, đống than có kích thước 30m dài theo đê, rộng 20m, cao từ 3 tới 5m …Theo đó yêu cầu ông Nguyễn Văn Phẩm dừng ngay mọi hoạt động bến bãi, di chuyển toàn bộ than, máy móc khỏi bãi trên…
Tuy nhiên thực tế, hộ ông Nguyễn Văn Phẩm chỉ đứng tên trên hợp đồng thuê đất với mục đích : Kinh doanh vật liệu xây dựng, còn người đang kinh doanh hiện tại là ông Đặng Văn Kiên.
Đề tìm hiểu sự việc, phóng viên nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo xã Cộng Hoà nhưng không được gặp để làm việc vì lý do "bận họp", lãnh đạo xã uỷ quyền cho ông Đoàn Hữu Niệp – Công chức địa chính xã cung cấp thông tin.
Tại buổi làm việc, ông Niệp cho biết, trên địa bàn xã Cộng Hoà chỉ có duy nhất một hộ được huyện cho thuê đất ngoài bãi là ông Nguyễn Văn Phẩm với mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng. Hiện nay ông Đặng Văn Kiên đang thuê lại để kinh doanh, chế biến than. UBND xã không có bất cứ hồ sơ gì về hoạt động của thương nhân này (Giấy phép hoạt động Bến thuỷ, Kế hoạch bảo vệ môi trường, Giấy phép chế biến than …) do hồ sơ chưa hoàn thiện?…
Với việc kinh doanh, chế biến hàng ngàn tấn than, tập kết cao như núi trên hành lang thoát lũ, ngoài việc ảnh hưởng đến dòng chảy mùa lũ vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều … còn gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước trong khi không có bất kỳ một biện pháp bảo vệ môi trường nào…
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ nguồn gốc bãi than tại huyện Kim Thành.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Trước đó Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị báo cáo về công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường có phóng sự phản ảnh tại Kinh Môn, Hải Dương có đến 37 bến bãi hoạt động không phép.