(TN&MT) - Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan, một công nhân cho biết: làm công nhân suốt một thời gian dài, nhưng tập thể cán bộ công nhân viên ở đây chưa bao giờ được hưởng chế độ “đúng nghĩa” như: ăn trưa, nuôi con thơ, lao động môi trường độc hại, năng suất, chất lượng, tăng lương theo như Bộ Luật Lao động… Bởi vậy, nhiều người lao động (chủ yếu là nữ giới) bị thiệt thòi. Để yêu cầu Ban lãnh đạo công ty may xuất khẩu SSV làm đúng luật, tôn trọng người công nhân, đã có hơn 3000 công nhân “xuống đường”, không đi làm, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Công nhân tập trung đông đảo trước Cty May xuất khẩu SSV để phản đối những “thiếu sót” của nhà máy |
Trao đổi với phóng viên, bà Mai Thị Kim, Trưởng phòng Lao động huyện Gia Lộc cho biết: Sự việc “bùng phát’ bắt đầu từ sáng ngày 17-3, nhiều lao động đã chán nản, không vào làm và cùng nghỉ việc tập thể để đình công, phản ứng lại lãnh đạo của công ty. Đến nay, đã 2 ngày, hoạt động sản xuất của nhà máy bị “tê liệt” do vắng bóng người lao động. Và cũng theo như yêu cầu của người lao động thì đây là quyền lợi chính đáng mà người lao động phải được hưởng.
Theo nhiều người dân địa phương tường thuật lại: ngay từ sáng ngày 17-3, các công nhân đã không vào trong nhà máy làm việc nữa, họ dựng xe máy bên ngoài, khóa xe lại, khóa cổng công ty và hàng ngàn người tụ tập phản ứng. Đến nay đã hai ngày trôi qua, sự việc vẫn chưa có thỏa hiệp lao động giữa giới chủ và người làm thuê. Được biết, về phía các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương, sau khi nghe báo cáo tình hình trật tự đã có thành lập 1 đoàn liên ngành giữa các đơn vị chức năng như Sở Lao đông thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội phụ nữ… của tỉnh Hải Dương đã về làm việc với lãnh đạo Công ty may xuất khẩu SSV. Mục đích làm “nhịp cầu trung gian” giữa người lao động và lãnh đạo nhà máy nhằm sớm tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, theo sự quan sát của phóng viên, đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung, chưa đạt được thỏa thuận chính đáng, bởi vậy người lao động vẫn chưa chịu ra về. Được biết, đây là công ty may xuất khẩu, có 100% vốn Hàn Quốc, hàng hóa sản xuất ra, chủ yếu đem đi tiêu thụ ở nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chính Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lộc cho biết: số người làm việc tại Công ty May xuất khẩu SSV chủ yếu là người lao động có hộ khẩu tại địa phương. Phần đa là phụ nữ thuần nông, chăm chỉ, có ý thức lao động tốt. Việc đình công như vậy cũng chỉ là chuyện “cực chẳng đã”, về phía UBND huyện sẽ sớm cố gắng thuyết phục đôi bên sớm có tiếng nói chung. Đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ việc.
Tin & ảnh: Hà Thúy