Hà Trung (Thanh Hóa): Vì sao xưởng chế biến đá trái phép vẫn không bị xử lý?

09/01/2017 00:00

(TN&MT) – Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử đã đăng nhiều bài phản ánh hộ ông Vũ Văn Đại ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp xây dựng xưởng chế biến và khai thác đá trái phép tại làng Đô Mỹ, xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Điều đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Công văn yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng trên. Thế nhưng, đến nay  không những không bị xử lý mà xưởng sản xuất đá vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức công luận.

Có mặt tại hẻm núi Tam Quy II, chúng tôi chứng kiến cảnh cả một quả núi rộng mênh mông bị “đá tặc” phá nát nham nhở từ đỉnh xuống tận chân núi. Hàng trăm cục đá to vừa được đánh xuống đang nằm chỏng trơ, chiếc máy xúc đang làm việc cật lực cùng với công nhân đang khoan đá để chọn những mướn đá tốt nhất đưa vào xẻ. Xưởng sản xuất đá cũng đã hoàn thiện và đưa vào sản xuất, dàn máy xẻ đang miệt mài xẻ những tảng lớn ra từng khúc. Hồ chứa nước nước thải và bụi đá đã đọng thành ao hồ lớn và chảy tràn xuống cả ruộng của người dân.

Máy xúc đang khai thác hay dọn đá?
Máy xúc đang khai thác hay dọn đá?

Ông Vũ Văn Đại, Chủ cơ sỏ sản xuất đá cho biết: Việc hộ gia đình ông xây dựng nhà xưởng sản xuất đá khi chưa được phép của các cấp chính quyền là hoàn toàn sai, nhưng do nhu cầu sản xuất nên ông vẫn làm. Hiện tại hồ sơ xin cấp phép tôi đã gửi xuống huyện rồi, ông Đại nói thêm.

Khi được hỏi: Việc xưởng sản xuất đã đi vào hoạt động thì nguyên liệu đầu vào là đá doanh nghiệp lấy ở đâu, có phải lấy tại chỗ hay không, ông Đại cho biết: Khi dọn dẹp để xây dựng nhà xưởng ông có tận thu được một ít đá do người dân làm thổ phỉ trước để lại nên đưa vào sản xuất, còn hiện tại đá đang đưa vào sản xuất gia đình mua của Công ty Thành Đồng?. Khi được hỏi thêm: Nếu không khai thác thì vì sao lại có máy xúc đang ủi đá từ chân núi vào xưởng và những vỉa đá trên cao có vết mới là minh chứng của việc khai thác, ông Đại lý giải: Máy ủi đang san gạt mặt bằng, còn vết đá mới đó là từ trước ông không biết!?

Vết khai thác đá còn nguyên nhưng được chủ cơ sở cho rằng đã khai thác từ lâu?
Vết khai thác đá còn nguyên nhưng được chủ cơ sở cho rằng đã khai thác từ lâu?

Trước đó, ngay sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải thông tin, ngày 20/11/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 12030/UBND-VX về việc kiểm tra xử lý phản ánh về khai thác đá trái phép ở huyện Hà Trung.

Công văn nêu rõ: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Hà Trung kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của Báo Tài nguyên và Môi trường, xử lý nghiêm sai phạm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc khai thác đá trái phép (nếu có) theo quy định của pháp luật. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và trả lời Báo Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 2/12/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Hà Trung và UBND xã Hà Tân tiến hành kiểm tra thực địa. Đoàn kiểm tra kết luận: “Việc hộ gia đình ông Đại san lấp mặt bằng xây dựng Trạm điện khi chưa được phép là không đúng với quy định pháp luật. Phản ánh của Báo Tài nguyên & Môi trường nêu là đúng thực tế. Việc hộ ông Đại cạy gỡ, khoan, xúc đá dưới chân núi để mở đường là hành vi khai thác khoáng sản trái phép…”

Nhà xưởng đã xây dựng xong và đi vào sản xuất
Nhà xưởng đã xây dựng xong và đi vào sản xuất

Ngay sau khi có Biên bản kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã lập Biên bản vi phạm hành chính. Theo đó, hộ gia đình ông Vũ Văn Đại đã có hành vi khai thác khoáng sản nhưng không có giấy phép là vi phạm Điều 37, khoản 1, điểm a, Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Trước đó, ngày 20/3/2015, UBND xã Hà Tân cũng đã phạt hộ Vũ Văn Đại 3 triệu đồng.

Tưởng rằng việc xử lý của các cơ quan để ông Đại hoàn tất thủ tục hồ sơ xây dựng xưởng và chấm dứt việc khai thác đá trái phép, song, ông Đại vẫn tiến hành xây dựng xưởng và “ăn cắp” đá. Ngày 27/8/2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND Hà Tân đã tiến hành lập Biên bản đối với ông Vũ Văn Đại. Biên bản xác nhận tại thực địa có một máy xúc hiệu KOMATSU, khối lượng đá còn tồn đọng khoảng 70 m3. Vị trí đất tại thửa số 77, tờ bản đồ số 7 (BĐĐC xã Hà Tân tỉ lệ 1/2000, đo đạc năm 1996-1997).

Nước thải từ nhà xưởng tràn cả ra ruộng
Nước thải từ nhà xưởng tràn cả ra ruộng

Ông Đại không xuất trình được giấy tờ liên quan gì và thừa nhận đã khai thác đất đá ven chân núi

Ngày 1/9/2016, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung đã có Công văn số 1473/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã Hà Tân chỉ đạo, yêu cầu hộ ông Vũ Văn Đại dừng ngay việc khai thác khoáng sản trái phép tại vị trí trên, di chuyển máy móc ra khỏi vị trí khai thác; thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 8/9/2016. Phê bình Chủ tịch UBND xã Hà Tân vì để xảy ra vi phạm trên địa bàn chưa có biện pháp để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế chủ trương của huyện chuyển các cơ sở sản xuất đá từ sông Hoạt vào khu làng nghề tập trung là đúng, việc hộ ông Vũ Văn Đại xây dựng nhà xưởng khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép là hoàn toàn sai. Việc này là do UBND xã Hà Tân giao trái thẩm quyền từ năm 2014?. Khi được hỏi: Xưởng sản xuất đá giao bên cạnh mỏ đá khi chưa cấp phép chủ quyền có bất cập hay không, ông Tuấn cho biết: Việc quy hoạch xưởng có từ trước, những hộ nào đủ điều kiện thì vào, còn nếu khai thác trái phép thì sẽ xử lý nghiêm, huyện đã giao cho xã quản lý. 

Rõ ràng, việc hộ ông Vũ Văn Đại mở đường, san lấp mặt bằng xây dựng nhà xưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là hoàn toàn sai phạm. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã nhiều lần có Công văn nhắc nhở, xử phạt nhưng đến nay vẫn không bị xử lý gì!. Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là phải chăng ông Đại được ai đó “ chống lưng” mới hoành hành như thế?

Bài & ảnh:Tuyết Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Trung (Thanh Hóa): Vì sao xưởng chế biến đá trái phép vẫn không bị xử lý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO