(TN&MT) - Báo cáo từ Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Hà Tĩnh, đến nay địa phương đã huy động đạt 7,3 tỷ đồng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, phí thu từ tiền trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp 6,3 tỷ đồng…
Nhiều đơn vị vẫn còn nợ phí dịch vụ môi trường rừng
Theo đó, Hà Tĩnh hiện có 11 đơn vị, cơ sở sử dụng và phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, gồm có 3 nhà máy thủy điện, 6 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch sinh hoạt và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng đã tiến hành ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với 4/6 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần thủy điện miền Bắc (800 triệu đồng/năm), Công ty Cổ phần thủy điện Hương Sơn (2 tỷ đồng/năm), Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh (240 triệu đồng/năm), Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng 1% trên doanh thu.
Được biết, Công ty CP thủy điện miền Bắc và một số đơn vị khai thác mỏ vật liệu xây dựng trên toàn tỉnh còn nợ dịch vụ môi trường rừng là 4 tỷ đồng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đang tập trung truy thu số tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị phải trả theo quy định.
Hai đơn vị chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm: Công ty du lịch Trương Sơn-Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim, Công ty CP thủy điện Kẽ Gỗ. Hiện Quỹ Bảo vệ phát triển rừng đang tiến hành đàm phán với các đơn vị trên để ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
Tin và ảnh: Đức Cảnh